Mức độ hài lòng của người dân là thước đo nông thôn mới Nghệ An

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là lựa chọn phù hợp để phát triển nông thôn mới theo hướng chuyên sâu. Ảnh: Việt Khánh.

Trên dưới một lòng

Điều đó được thể hiện bằng chính thành quả thực tế, dự kiến đến 31/12/2021 Nghệ An có 300 /411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 72,99%); 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 8,67% xã NTM); 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chưa kể 7 đơn vị cấp huyện là TP Vinh, Thị xã Thái Hoà, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu cùng 944 thôn/bản cũng đã cán đích.

Trong bối cảnh gian khó bủa vây, đây rõ ràng tín hiệu hết sức khả quan. Tuy nhiên hoa thơm trái ngọt sẽ khó hình thành nếu thiếu sự chỉ đạo, định hướng sâu sát của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là thái độ tích cực của người dân, vốn là chủ thể chính mà chủ trương lớn hướng đến.

Quả thật, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng lan tỏa sâu rộng. Nhiều chương trình nghệ thuật, thể thao quần chúng được tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn được ví như liều thuốc bổ hữu hiệu khích lệ tinh thần phòng, chống đại dịch Covid-19, tiếp thêm động lực để các tầng lớp nhân dân cùng chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội; cải thiện chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân là những nhiệm vụ mang tính then chốt trong xây dựng nông thôn mới. Xét đến khía cạnh này, Nghệ An cho thấy bước chuyển đáng ghi nhận.

Sức sống nông thôn mới lan tỏa khắp làng quê Nghệ An. Ảnh: Võ Dũng.

Thực tế chỉ rõ, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn tiếp tục được địa phương quan tâm, chú trọng. Nhiều huyện đã thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ cấp xã, điều này giúp hệ thống đội ngũ, công chức cấp xã có bước lột xác toàn diện, vẫn những con người ấy nhưng năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng đã được nâng tầm rõ rệt.

Song song với đó, vai trò hạt nhân trong quá trình lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục được giữ vững. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới càng được thể hiện đậm nét, nhiều cấp ủy đảng cơ sở đã chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để  đưa ra bàn bạc, thảo luận một cách công khai, dân chủ, từ đó xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để áp dụng vào thực tiễn. Chính quyền không ngại đột phá, ra sức nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, người dân tin tưởng, hưởng ứng, quá trình phối hợp nhuần nhuyễn trên là yếu tố cốt lõi giúp nông thôn mới Nghệ An đơm hoa kết trái.

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ

Để Chương trình MTQG xây dựng NTM đâm sâu bén rễ nhất thiết phải tập trung nâng tầm toàn diện bộ mặt khu vực nông thôn, muốn cụ thể hóa mục tiêu này nhất thiết phải có kế sách chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện, tiềm năng và lợi thế sẵn có.

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh: Võ Dũng.

Không nằm ngoài xu thế, ở thời kỳ nông nghiệp 4.0 việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao là không thể chậm trễ. Thời gian qua Nghệ An đã linh hoạt, chủ động xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Cùng với đó, tỉnh đã tăng cường hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các thành tựu khoa học vào nông nghiệp, bước đầu đã chọn tạo được một số giống, dòng cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là đảm bảo tính năng thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.

Trong trồng trọt cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất lẫn chất lượng, tuy nhiên hình thức lại là điểm khác biệt. Thay vì canh tác theo phương thức truyền thống, nay nhiều nơi đã chủ động dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng lớn. Hiệu quả kinh tế nhân lên gấp nhiều lần không chỉ thu hút nhà nông bám đồng bám ruộng mà còn là chất xúc tác hữu hiệu để các doanh nghiệp lớn mạnh vào tham gia, từ đó tạo nên bức tranh đầu tư đầy cuốn hút.

Nông dân trên địa bàn có thể sống tốt nhờ bám đồng bám ruộng. Ảnh: Việt Khánh.

Những địa phương truyền thống như Yên Thành, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Con Cuông… vẫn duy trì được sự chủ động, nhanh nhạy trong quá trình tiếp cận và thích ứng. Hàng loạt chuỗi liên kết có hiệu quả cao như  sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, ngô ngọt, rau củ quả, sen, gà thịt, dược liệu... là minh chứng rõ nét khẳng định nông nghiệp Nghệ An đang chuyển mình không ngừng.

Dẫu khó tính đến đâu cũng phải thừa nhận công tác giảm nghèo ở Nghệ An thực sự đi vào chiều sâu. Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm trên 12%, dự kiến đến cuối 2021 con số này tụt xuống dưới 3% (theo tiêu chuẩn quy định tại quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 17/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ) và ước khoảng 9,5 % (theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ).

                                                                                Việt Khánh - Võ Dũng (Nguồn: nongnghiep.vn)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website