Xây dựng nông thôn mới không chỉ là thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước khắc phục khó khăn để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp”.
“Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp”
Từ sự khuyến khích, hỗ trợ, động viên, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều thôn, bản trước đây chỉ làm nông nghiệp nay đã mạnh dạn triển khai làm du lịch.
Tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động sinh hoạt, sản xuất... gắn với du lịch cộng đồng.
Phiêng An cách thành phố Bắc Kạn khoảng 7km về phía Chợ Đồn. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm những đồi chè xanh ngát, những vườn cây trĩu quả…
Du lịch nông thôn gắn với văn hoá bản sắc địa phương, nét văn hoá du lịch nhiều du khách tìm về
Khuôn viên vườn cây ăn quả như ổi, cam quýt, bưởi xen lẫn đồi chè, với diện tích khoảng 14,5 ha trở thành điểm nhấn.
Ông Bàn Hữu Thanh – Bí thư chi bộ thôn Phiên An, xã Quang Thuận cho biết: Thôn Phiên An chủ yếu là dân tộc Dao sinh sống, nhờ sự đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo nên năm 2019 xã không còn hộ nghèo. Chè là cây chủ lực của xã vì thế nhân dân đã tích cực sản xuất, cây chè đã giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao được thu nhập.
Bà con trong vùng đã chỉnh trang lại khuôn viên, vườn, chuồng trại chăn nuôi, chuyển hướng sản xuất trồng trọt, đổi mới cách thức sản xuất, xây dựng mô hình điểm du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đời sống.
Tương tự, tại thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của người Tày; các làn điệu hát sli, hát lượn, nấu các món ăn ẩm thực của người dân địa phương vẫn được duy trì.
Trong thôn còn giữ được 12 nhà sàn được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, có công trình vệ sinh phục vụ gia đình tách rời với nhà ở. Chuồng trại chăn nuôi bố trí hợp lý, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là giếng khoan hợp vệ sinh, đủ dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu.
Dọc hai tuyến đường đến thôn Chúa Lải được tô điểm những vạt hoa rực rỡ. Người dân hiện đã nhận thức khá tốt về phát triển du lịch cộng đồng, biết tạo cảnh quan, có ý tưởng tạo ra các sản phẩm để phục vụ khách du lịch. Du khách đến thôn có thể trải nghiệm sản xuất nông nghiệp như gặt lúa, trồng cây, câu cá...
Để làm du lịch, người dân trong thôn đã trồng hoa hai bên đường, thôn còn giữ được một số ngôi nhà sàn và đặc biệt hơn, người dân ở đây đã nhận thức khá tốt về phát triển du lịch cộng đồng, biết tạo cảnh quan, có ý tưởng tạo ra các sản phẩm để phục vụ khách du lịch, du khách đến thôn có thể trải nghiệm sản xuất nông nghiệp.
Tại Quảng Khê huyện Ba Bể với vườn mận tuyệt đẹp là điểm thú vị. Những hàng mận xanh mướt uốn lượn theo dạng địa hình đồi núi tạo nên một khung cảnh hữu tình và mộng mơ. Dưới ánh nắng vàng rực, vườn mận tỏa hương thơm dịu nhẹ, thu hút du khách đến tham quan và tận hưởng vẻ đẹp tinh khôi của nơi này. Dưới tán lá xanh mướt của cây mận, tiếng chim hót vang lên, hòa cùng hương mận ngọt ngào, tạo nên một bầu không khí thơ mộng và yên bình.
Triển khai hiệu quả phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Nhằm tạo mô hình, điểm nhấn từ đó lan tỏa ra các thôn, bản có tiềm năng du lịch, từ 2021 tới 2025, tỉnh Bắc Kạn quyết định đầu tư trên 16 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch cho thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (Bạch Thông) và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận (Chợ Mới). Bắc Kạn hiện đã có những thôn, bản lấy du lịch nông thôn làm hướng phát triển kinh tế chính. Đó là các thôn Bó Lù, Pác Ngòi, Cốc Tộc chung quanh hồ Ba Bể.
Tại đây hiện có hơn 60 hộ làm homestay phục vụ khách trong nước và quốc tế. Để phát huy tiềm năng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025.
Check in điểm du lịch cộng đồng tại thôn thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2024 của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 29/3/2024 trong đó phấn đấu thực hiện thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới tăng thêm 152 thôn; ngoài ra các huyện, thành phố thực hiện thêm 26 thôn.
Năm 2024, Bắc Kạn đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng 24 xã nông thôn mới, 6 xã nông thôn mới nâng cao; có thêm 152 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn không nằm trong lộ trình phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện Bạch Thông và Chợ Đồn tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí huyện nông thôn mới; duy trì thành phố Bắc Kạn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ông Dương Văn Hoàn – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới các vùng khó, đối với các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo tập trung tổ chức các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ để đạt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và xây dựng từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch; trên 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Quang Nam (Nguồn: langngheviet.vn)