Khai thác tiềm năng, nâng tầm nông sản địa phương

Sản phẩm thịt chua Trường Foods vị truyền thống và thịt chua ống nứa của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods, huyện Thanh Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao.

Phú Thọ là tỉnh có địa hình đa dạng, gồm vùng núi, trung du, đồng bằng, với nhiều cây, con, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phong phú mang tính đặc trưng, đặc sản như: Bưởi Đoan Hùng, chè xanh, chuối phấn vàng, hồng không hạt Hạc Trì, hồng không hạt Gia Thanh, gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, khoai tầng vàng, cá sông Đà, gà nhiều cựa,... là điều kiện để phát triển nông nghiệp toàn diện, mang bản sắc riêng.

Thời gian qua, nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển biến quan trọng, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, hình thành các vùng sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có 90 vùng trồng lúa chất lượng cao với tổng diện tích 8,7 nghìn ha; 159 vùng sản xuất chè xanh với tổng diện tích 2,45 nghìn ha; 147 vùng sản xuất bưởi với tổng diện tích 720ha; 34 vùng rau với tổng diện tích 375ha; có hàng chục doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn và trên 800 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; 75 làng nghề, nhiều nghề truyền thống và trên 500 hợp tác xã. Triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nhất là thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. 

HTX Mỳ gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất có đănh ký kinh doanh) và kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) thực hiện; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách, định hướng quy hoạch và quản lý, giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp.

Để cụ thể hóa chương trình, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chương trình OCOP và hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm, đồng thời chủ động hướng dẫn các huyện, thành, thị xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình OCOP cấp huyện, thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng quy định. 

Triển khai chương trình với phương châm: OCOP Phú Thọ - Nâng tầm giá trị chất lượng nông sản vì lợi ích cộng đồng, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị. Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và sự nỗ lực cố gắng của ngành Nông nghiệp cùng các sở, ngành, các địa phương, qua đánh giá, phân hạng, đã có 28 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm cấp tỉnh từ 3 sao trở lên của 22 chủ thể sản xuất; Trong đó có 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (Mỳ gạo Hùng Lô, Gạo giống Nhật J02, Chè xanh Bát tiên Long Cốc, Mít sấy- Xuân Phúc, Thịt chua Trường Food, Trà Ô Long- Bảo Long) và 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây đều là các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Đây cũng là cơ hội để các làng nghề, HTX, cơ sở sản xuất phát huy, khai thác hết tiềm năng, tinh hoa của mình. Nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. 

Chương trình OCOP đã khuyến khích, khơi dậy sáng tạo của chủ thể; Đồng thời thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công. Các chủ thể được tư vấn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đẹp đáp ứng yêu cầu thị trường.

Công tác xúc tiến thương mại được xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP. Tỉnh hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong tỉnh (Giaothương.net.vn và nongsan.phutho.gov.vn), tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình… Sở Công thương đã phối hợp với Sở NN &PTNT, các sở, ngành tổ chức các hội nghị kết nối giao thương cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Xây dựng 1 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền tại số 28B, đường Kim Đồng, liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội… 

Tiếp nối hoạt động xúc tiến thương mại, từ ngày 27/11 đến 1/12 UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2020. Hội chợ nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển chương trình OCOP cũng như nông sản nói chung của tỉnh; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP lan tỏa rộng rãi trên thị trường tạo động lực để các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm; tạo lập cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân và thị trường; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tăng doanh thu bán hàng. 
Thời gian tới tỉnh ta phấn đấu có trên 150 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, từng bước xây dưng sản phẩm OCOP Phú Thọ thành thương hiệu, lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Chương trình OCOP phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm của địa phương, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tạo sản phẩm du lịch nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có kết quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

                                                                  Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT



Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website