Năm 2011, tỉnh Phú Thọ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn: Là tỉnh miền núi, xuất phát điểm của các xã đạt rất thấp, khu vực nông thôn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều hạn chế, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thấp chỉ đạt 13,7 triệu đồng/người/năm; toàn tỉnh có 247 xã thực hiện Chương trình với bình quân tiêu chí chỉ đạt 6,5 tiêu chí/xã; có 220 xã đạt dưới 10 tiêu chí trong đó 51 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chỉ có 27 xã đạt 10-14 tiêu chí.
Xã nông thôn mới Bản Nguyên – huyện Lâm Thao
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nên đã huy động sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt kết quả toàn diện, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trước 02 năm, tỉnh Phú Thọ đứng ở vị trí nhóm đầu các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 122 xã/247 xã (95/196 xã sau sát nhập) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 48,5% (bình quân vùng Miền núi phía bắc là 36,9%); bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 15,7 tiêu chí/xã (bình quân vùng Miền núi phía bắc là 14,01 tiêu chí/xã); có 4 đơn vị cấp huyện là huyện Lâm Thao, huyện Thanh thủy, thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn của các xã trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao,... tiếp tục phát triển, các chính sách xã hội và an sinh xã hội được kịp thời thực hiện; chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn ngày một tốt hơn; cảnh quan nông thôn thay đổi theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh.
Xã nông thôn mới Bản Nguyên – huyện Lâm Thao
Với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Trong giai đoạn tới, xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, kinh tê nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững, đưa nông thôn trở thành miền quê đáng sống.
Cụ thể hóa định hướng đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 45% trở lên (06 đơn vị cấp huyện); số xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên 65%; trong đó, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đạt 20% trở lên (26 xã). Để hoàn thành mục tiêu đó, trong thời gian tới cần kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu:
Kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, theo đúng hướng dẫn của Trung ương, đảm bảo tổ chức thực hiện Chương trình hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện Bộ tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới cấp xã, cấp khu dân cư; xây dựng kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình, nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự...; ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Phú Thọ chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện Chương trình.
Chỉ đạo thực hiện toàn diện các nội dung của Chương trình. Ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất về điện, trường học, trạm y tế; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi quy mô liên huyện, liên xã; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xác định đây là nội dung đột phá, động lực sức sống của chương trình NTM thời gian tới; thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và của tỉnh về khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn thực sự sáng, xanh, sạch, đẹp,...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chương trình, để kịp thời nắm bắt được thực trạng triển khai tại các địa phương và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai chương trình; trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Phát huy hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình: lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ trên cùng địa bàn theo cơ chế của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; có chính sách hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các đơn vị cấp huyện, cấp xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình, vận động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất,… để phát triển và nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát huy vai trò của nhân dân trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, cùng những giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM sẽ hoàn thành suất sắc các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần đưa Phú Thọ trở thành một trong các tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Sở Nông nông nghiệp và PTNT