Đi cùng đoàn đánh giá của trung ương và thành phố, ông Phạm Thành Đô-Chánh Văn phòng UBND huyện Mê Linh thấy được nét khác biệt trong việc xây dựng NTM của quê mình
Qua những lời nhận xét từ các đoàn đánh giá nông thôn mới (NTM) của trung ương, của thành phố thì huyện Mê Linh (Hà Nội) có nhiều điểm nhấn: Thứ nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế kết nối rất tốt với nhau. Huyện có 18 xã, thị trấn, đoàn đi qua địa bàn 11 xã chỉ trong 1 buổi, có những chỗ dừng lại để thăm mà vẫn cứ “nhàn như không” nhờ hệ thống đường tốt. Nhiều xã đoàn đi qua cứ trầm trồ ngỡ là phố phường vì hai bên đường nhà cửa san sát, sầm uất, các dịch vụ phong phú.
Thứ hai là môi trường, trước đây thực tế Mê Linh còn thiếu cây xanh, đường hoa, thiếu chỗ tập trung rác thải, nhất là tình trạng phân loại, xử lý thu gom, vận chuyển vỏ bao bì thuốc BVTV trên địa bàn còn nhiều bất cập. Nhưng sau khi huyện ra quân đồng loạt để tổng vệ sinh, trồng thêm cây xanh, thêm hoa thì đã tình trạng này đã được cải thiện hơn rất nhiều. Ngay cả tuyến đê sông Hồng chạy qua những xã như Văn Khê, Hoàng Kim, các địa phương này đã xin ý kiến của Sở Nông nghiệp và PTNT cho phép được sử dụng mái đê để trồng thêm cây cảnh, hoa, tạo cảnh quan sạch đẹp hơn.
Những con đường mới được trồng thêm cây xanh. Ảnh: NNVN.
Thứ ba là kinh tế xã hội của huyện cơ bản đồng đều, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 58 triệu/người. Thứ tư là nông nghiệp đã tạo thành những vùng chuyên canh lớn như vùng rau vài ba trăm ha ở xã Tráng Việt; vùng chuối ở Hoàng Kim, Văn Khê; vùng trồng hoa ở Mê Linh; vùng trồng đào ở xã Thanh Lâm, Kim Hoa, vùng trồng lúa trải dài từ xã Hoàng Kim, Văn Khê cho đến Liên Mạc.
Về văn hóa, nhiều nơi đã tổ chức đám cưới văn minh, gọn nhẹ, đám tang không mời khách ăn, mà chỉ có con cháu, người phục vụ. Ngay cả ở xã Tiến Thắng trước đây vốn là nơi còn tồn tại nạn cưới xin, ma chay hay giỗ chạp tổ chức to, ăn uống linh đình, hai đợt dịch Covid 19 bùng phát ở đây đều xuất phát từ đám giỗ, đám ma như vậy thì sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt hành chính giờ cũng đã giảm dần. Để hiệu quả của việc tuyên truyền bền vững hơn, sắp tới chính quyền còn định hướng phải đưa những quy định cụ thể hơn về vấn đề này vào hương ước của các thôn để toàn dân cứ theo nề nếp ấy mà thực hiện.
Khuôn viên trường tiểu học Tự Lập có nhiều cây xanh. Ảnh: NNVN.
Được công nhận huyện đạt chuẩn NTM là thành quả của cả quá trình phấn đấu của Mê Linh bởi xuất phát điểm thấp, không có nhiều thuận lợi so với một số huyện khác. Năm 2010, khi Mê Linh bước vào xây dựng NTM chỉ có 1/19 tiêu chí đạt là an ninh trật tự, các tiêu chí còn lại đều có tỷ lệ phần trăm đạt thấp, dưới chuẩn rất xa. Giai đoạn 2010 -2020 đã bố trí hơn 4.011 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Mê Linh tập trung tối đa mọi nguồn lực để quan tâm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nên những vùng hàng hóa lớn, những sản phẩm OCOP đặc trưng mang lại giá trị thặng dư cao hơn cho nhân dân. Sau 12 năm triển khai, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với nhân dân để xây dựng NTM, đến nay toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM và cũng đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM.
Cơ sở vật chất cho giáo dục rất tốt. Ảnh: NNVN.
Tuy nhiên, NTM là quá trình không có điểm dừng nên Mê Linh phấn đấu đến năm 2025 sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện NTM đồng thời xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể, huyện phấn đấu có từ 6 -8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1- 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt từ 2,5 -3,0%/năm, thu nhập của nhân dân khu vực nông thôn đạt 65-70 triệu đồng/người/năm. Để đảm bảo phát triển nông thôn một cách bền vững thì Mê Linh xác định trọng tâm: Hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, môi trường xanh sạch đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân.
Đinh Thanh Huyền (Nguồn: nongnghiep.vn)