|
Sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp người nông dân tăng thu nhập ổn định lâu dài và bền vững.
- Trồng bắp cải ở vùng rau An Đạo, huyện Phù Ninh. |
Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất (GAP) về lý thuyết không chỉ tạo điều kiện cho đầu ra thuận lợi mà còn giúp người nông dân tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, tránh tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại. Không khó để nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP khi nhu cầu về các sản phẩm sạch, có thể truy xuất nguồn gốc đang tăng mạnh tại thị trường trong nước và là yêu cầu đầu tiên từ các đối tác, bạn hàng nước ngoài. Thế nhưng, với cách làm theo kiểu hô hào, “đánh trống bỏ dùi”, không ít nơi, nông dân đang có xu hướng quay lưng với “mô hình” và trở lại lối canh tác truyền thống.
Sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do nhận thức của người nông dân về sản xuất an toàn vẫn chưa có sự thay đổi lớn. Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương pháp VietGAP hiện nay nếu so về mẫu mã, hình thức vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn “ngon, đẹp” trong khi các sản phẩm khác nhìn bắt mắt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, sự nhập nhằng giữa sản phẩm an toàn và sản phẩm không an toàn khiến cho người tiêu dùng dù có “thông thái” đến mấy cũng rất khó phân biệt. Hơn nữa trên thị trường hiện nay, dù muốn nhưng không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng mua được thực phẩm sạch. Chị Nguyễn Thị Huệ ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho biết: Ai cũng muốn mua thực phẩm sạch, an toàn để đảm bảo sức khỏe cho gia đình nhưng quả thật rất khó. Cả thành phố Việt Trì chỉ có 1,2 cửa hàng rau an toàn của Tân Đức mà số lượng lại ít, không đủ đáp ứng nhu cầu. Còn ở các sạp hàng trong chợ thì không thể biết chất lượng như thế nào, đặc biệt là rau nhập ở các vùng ngoài địa bàn thành phố nhất là đối với các sản phẩm phải sử dụng nhiều thuốc BVTV như rau cải, đỗ…
Cái khó trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí an toàn hiện nay là người mua không thể phân biệt được sản phẩm nào là an toàn và ngược lại. Do đó giá thành sản phẩm vẫn bị đánh đồng. Điều đó dẫn đến việc đầu tư vào sản xuất lớn hơn nhưng lợi nhuận lại không cao khiến người nông dân không muốn đầu tư. Một vấn đề khác là khi sản xuất theo chuỗi an toàn, bà con bắt buộc phải ghi chép đầy đủ từ ngày gieo trồng, phun thuốc, thu hoạch; ngày mua con giống, tiêm phòng, loại vắc xin; ngày xuất… Đối với người nông dân vốn quen sản xuất theo phương thức tự do thì vấn đề này khiến cho họ rất khó tiếp nhận. Bà Lại Thị Sang, một người hiện đang tham gia dự án trồng rau an toàn ở xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ cho biết: “Làm rau an toàn tôi thấy vất hơn trước kia nhiều, sổ sách ghi chép phải đầy đủ; phun thuốc phải đo đúng liều lượng, thời gian cách ly phải đảm bảo. Thế nhưng khi bán thì dù mình có giới thiệu là rau an toàn người mua cũng không tin nên giá cũng chẳng cao hơn”.
Để việc sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP thực sự đạt được hiệu quả và phát triển bền vững thì yêu cầu tất yếu là phải xây dựng được các chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm. Ngoài ra cần phải có các tổ chức như Hợp tác xã, Hội nghề nghiệp… để lập kế hoạch và điều tiết sản xuất, đảm bảo liên tục có sản phẩm cung cấp cho thị trường không bị cách quãng; đồng thời cũng phải thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, làm cho họ nhận thức rõ những ưu việt của phương thức sản xuất này có thể đem lại lợi nhuận cao, lâu dài, ổn định.
Nguồn báo: Phú Thọ Online