Để
nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng trên địa bàn, người nông dân
huyện Hạ Hòa đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) mới
trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây
trồng vật nuôi, đưa giống cây, con mới có năng suất, chất lượng, hiệu
quả vào sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế mới hình thành và phát triển cho
hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao
động lúc nông nhàn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Nông dân Hạ Hòa đã chú trọng áp dụng tiến bộ KHKT mới trong sản xuất nông nghiệp
Phát triển cây lương thực là 1 trong 4 chương trình kinh tế nông nghiệp
trọng điểm ở Hạ Hòa. Xác định được thế mạnh của địa phương, trong những
năm qua, mô hình thâm canh cây lương thực được người dân áp dụng khá
thành công. Nhờ được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới mà người dân đã mạnh
dạn áp dụng biện pháp tổng hợp để thâm canh đưa giống mới năng suất cao
vào sản xuất như: lúa chất lượng cao, ngô lai, cây rau đậu, khoai tây,
bí đao, bí đỏ... Vụ chiêm xuân năm 2014 huyện Hạ Hòa gieo cấy hơn
4.000 ha lúa, trong đó lúa thuần 2.000 ha, lúa lai và lúa chất
lượng cao hơn 2.000 ha. Trong cơ cấu mùa vụ huyện hạn chế tối đa
trà xuân sớm, xuân trung, mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng
những giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt như
TBR 45, nhị ưu 838, nhị ưu số 7, thục hưng 6, thiên nguyên ưu 9,
Bio 404, HT1, Nếp 87, nếp 97,... chiếm khoảng 80% diện tích gieo
cấy. Ngay từ đầu vụ huyện Hạ Hòa chú trọng đưa cơ giới hóa vào
các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc; đồng thời cải tạo đồng
ruộng, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bên cạnh đó
huyện tích cực hướng dẫn bà con nông dân áp dụng biện pháp
phòng trừ và sử dụng thuốc BVTV an toàn, đúng thời điểm, ứng
dụng rộng rãi kỹ thuật IPM để hạn chế thấp nhất thiệt hại do
sâu bệnh gây ra. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn huyện Hạ Hòa: Năng suất lúa chiêm xuân năm nay đạt khoảng 54
tạ/ha; sản lượng ước gần 22.000 tấn. Một số xã đạt năng suất cao như: Vụ
Cầu, Động Lâm, Vĩnh Chân, Mai Tùng năng suất đạt 56 tạ/ha.
Điểm nổi bật trong sản xuất vụ chiêm xuân năm nay là huyện đã xây dựng
cánh đồng một giống tại xã Động Lâm. Mô hình sử dụng giống lúa thuần
TBR 225, bón phân NPK Lâm Thao theo quy trình khép kín. 138 hộ nông dân
tham gia trên diện tích 10 ha, năng suất 245 kg/sào, hạch toán chi phí
giống lúa TBR 225 cho lãi cao hơn giống lúa KD18 là 597.000 đồng/sào.
Tại xã Vụ Cầu triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn giống lúa thuần chất
lượng cao hương thơm 1, bón phân NPK theo quy trình khép kín tại 420 hộ
dân với diện tích 42,3 ha. Năng suất đạt 221 kg/sào. Theo kết quả hạch
toán kinh tế cho thấy cùng thâm canh một giống lúa HT1, mô hình cánh
đồng mẫu lớn đã tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản
xuất, với mức lãi cao hơn ngoài mô hình là 9.472.200 đồng/ha.
Vụ mùa toàn huyện gieo cấy và cho thu hoạch 3.478,5 ha/3.600 ha kế
hoạch. Cơ cấu giống mùa vụ: lúa lai chiếm 48,29% diện tích; lúa chất
lượng cao 8,76%, còn lại là lúa thuần. Năng suất lúa vụ mùa đạt 54
tạ/ha, sản lượng 18.784 tấn. Một số cây trồng màu vụ mùa như ngô năng
suất đạt 42 tạ/ha, sản lượng 1.008 tấn; lạc 16,5 tạ/ha, sản lượng 178,5
tấn, rau màu các loại 332,7 ha… Ở vụ mùa năm 2014 huyện Hạ Hòa trình
diễn giống lúa thuần HT1 sử dụng phân NPK Lâm thao khép kín
tại xã Lâm Lợi. Mô hình được thực hiện trên diện tích 3 ha, 30
hộ tham gia mô hình, đây là giống lúa nội địa do Tổng Công ty
Giống cây trồng trung ương chọn tạo, bón phân NPK Lâm thao khép
kín. Sau 4 tháng triển khai mô hình, qua khảo nghiệm cho thấy
lúa thuần HT1 có thời gian sinh trưởng và phát triển tốt với
thời gian từ 100 - 105 ngày, hình dáng cây đẹp, cao, cứng, bộ
rễ khỏe, chống đổ tốt, trổ bông tập trung, bông to, hạt nhỏ,
dài xếp sít nhau. Khả năng chống chịu với ngoại cảnh và sâu
bệnh tốt, chịu thâm canh có thể trồng được trên các chân ruộng
thấp, trung bình và chân ruộng cao rất phù hợp với điều kiện
thâm canh ở vùng núi và vùng đồng bằng trung du. Trước khi
triển khai mô hình Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ và Hội CCB
tỉnh, huyện Hạ Hòa đã tổ chức tập huấn, cấp tài liệu về
kỹ thuật thâm canh lúa HT1 cho 40 hội viên CCB trong đó có 30 hộ
tham gia mô hình. Nhờ đó bà con biết cách chăm sóc làm cỏ,
tưới nước và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, năng suất thu hoạch
đạt 220 kg/sào (tương đương 60 tạ/ha). Mô hình giúp bà con nông
dân nắm bắt được tiến bộ KHKT mới, mạnh dạn đầu tư ứng dụng
đưa cây giống mới vào trồng trọt đem lại năng suất cao, tăng thu
nhập, nâng cao đời sống.
Xác định vụ đông như một vụ sản xuất chính trong năm, là mắt xích cốt
lõi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là phát triển vụ đông
trên đất lúa. Đảm bảo diện tích gieo trồng cây vụ đông, trong đó cây ngô
đông vẫn là cây trồng chủ đạo, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất ngô
đông trên đất 2 lúa. Mở rộng tối đa diện tích gieo trồng các loại rau
màu, đa dạng hóa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả
kinh tế cao. Bên cạnh cây ngô là cây chủ lực trong sản xuất vụ đông,
nhiều địa phương trên địa bàn huyện tập trung trồng cây rau màu cho giá
trị kinh tế cao, trong đó cây bí xanh được chú trọng trên đồng đất Văn
Lang và một số xã như Bằng Giã, Chuế lưu, Động Lâm, Lâm lợi, Hiền Lương.
Năm nay, dự án nông nghiệp cận đô thị gắn với trồng cây bí
xanh an toàn tại Văn Lang, huyện Hạ Hòa với quy mô của dự án 25
ha, với 380 hộ tham gia có tổng kinh phí thực hiện trên 2 tỷ
đồng. Trong đó tỉnh và huyện hỗ trợ bà con nông dân về giống,
chi phí triển khai tập huấn, vật tư, kiểm tra quản lý xúc tiến
thương mại và quảng bá sản phẩm. Khi dự án được triển khai bà
con nông dân được tập huấn kiến thức cơ bản về cách trồng, chăm
sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây bí xanh. Dự án xây dựng cánh
đồng sản xuất có quy mô lớn tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng
cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đồng thời
thay đổi nhận thức của người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu
cây trồng, đưa giống cây có năng suất chất lượng cao vào đồng
ruộng, giúp người dân cải thiện đời sống.
Nhờ tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nên nhiều hộ dân ở Hạ
Hòa đã mạnh dạn đầu tư phát triển theo các mô hình kinh tế phù hợp với
điều kiện thực tế của địa phương, của gia đình, góp phần đáng kể giải
quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, cùng nhau xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: PhuThoPortal