PhuthoPortal - Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho
người dân là mục tiêu căn bản trong triển khai thực hiện Chương trình
mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, Phú
Thọ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trao "cần câu" giúp nâng cao
chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương trong tỉnh
Trong những năm qua, Phú Thọ đã quan tâm ban hành các chủ trương,
chính sách khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh xây dựng các mô hình
kinh tế để nâng cao thu nhập, đặc biệt là đối với các xã thực hiện
chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Ngoài các đồ án quy hoạch,
đề án xây dựng NTM, đề án phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho
người dân thì việc đẩy mạnh xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn,
chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy hiệu quả các chương
trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở
mỗi địa phương, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao cũng được
tập trung đẩy mạnh. Tỉnh đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ trung ương;
lồng ghép các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của
tỉnh, các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn; chỉ đạo,
hướng dẫn các địa phương xây dựng những vùng sản xuất theo mô hình cánh
đồng mẫu lớn, chuyên canh, qua đó từng bước xây dựng thương hiệu sản
phẩm nông sản nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị
trường; áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở các chủ trương, chính sách và nguồn lực hỗ trợ từ các
chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, nhiều địa phương đã tìm được
thế mạnh riêng để khai thác hiệu quả, đặc biệt, các hoạt động sản xuất
và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển, trở
thành nhân tố góp phần không nhỏ trong cải thiện đời sống vật chất và
tinh thần cho cộng đồng dân cư nông thôn. Đoan Hùng là một trong những
huyện có diện tích chè lớn của tỉnh với gần 3.000ha, có nhiều doanh
nghiệp và cơ sở chế biến chè như Công ty chè TNHH một thành viên Phú
Bền; Công ty chè Phúc Thọ và hàng loạt các cơ sở chế biến nhỏ đã giúp
người nông dân tiêu thụ nguyên liệu khá thuận tiện. Nhiều xã trên địa
bàn huyện đã và đang thay thế dần giống chè cũ bằng các giống mới như
LDP1, LDP2... cho năng suất chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người
trồng. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Nhung - Phó Chủ tịch UBND
xã Phúc Lai – địa phương có truyền thống trồng chè lâu năm cho biết:
Xác định cây chè là loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương
nên những năm qua, chính quyền xã Phúc Lai đã có chủ trương khuyến
khích bà con nông dân tận dụng mọi nguồn lực cải tạo, thay thế giống chè
cũ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn,
hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch chè giống mới cho người trồng chè
của địa phương. Bình quân năng suất chè đạt từ 6 - 7 tấn/ha/năm; tổng
sản lượng đạt gần 1.150 tấn/năm. Song trên địa bàn xã hiện nay vẫn chủ
yếu là giống chè trung du, chè hạt cũ năng suất thấp, chất lượng không
cao nên thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Hơn nữa do điều kiện kinh
tế của các hộ trong xã còn khó khăn nên việc thay thế giống chè mới hiện
nay vẫn có nhiều trở ngại, mặc dù đã được một số chính sách của tỉnh hỗ
trợ.
Xác định chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, tăng tổng đàn là hướng đi
đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nên trong những năm qua, ngành nông
nghiệp huyện Thanh Ba đã chú trọng hỗ trợ các loại con giống, đặc biệt
là lợn nái giống ngoại cho các hộ có nhu cầu. Trên địa bàn xã Khải Xuân,
từ các con giống hỗ trợ ban đầu, các hộ tham gia mô hình đã tạo điều
kiện nhân ra diện rộng, hỗ trợ các hộ chăn nuôi khác có nhu cầu; đồng
thời đã quy hoạch vùng chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển các trang trại,
gia trại tiến tới hạn chế dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà Thiện ở khu 11 cho
biết: Gia đình bà lúc nào cũng nuôi từ 100 đến 120 con lợn giống ngoại,
trong đó riêng lợn nái có khoảng 20 con. Thu nhập từ chăn nuôi lợn của
gia đình mỗi năm khoảng trên 200 triệu đồng. không chỉ có bà Thiện, đời
sống bà con nhân dân trong xã từng ngày thay đổi, những ngôi nhà khang
trang đã xuất hiện ngày càng nhiều, đó cũng là điều kiện để Khải Xuân
sớm đạt tiêu chí xã nông thôn mới.
Có thể khẳng định, các hoạt động sản xuất và dịch vụ nông thôn trên
địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tạo ra cơ cấu kinh tế ngày càng tiến
bộ, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM của tỉnh. Tuy nhiên, ở nhiều địa
phương vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; việc ứng dụng khoa
học kỹ thuật vào sản xuất chưa triệt để. Việc phát triển, nhân rộng mô
hình sản xuất của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cũng gặp không ít
khó khăn bởi ngoài số tiền lãi từ mô hình được dùng để tái đầu tư thì
việc vay vốn ngân hàng cũng đã gây ra nhiều trở ngại cho những hộ có ý
định mở rộng phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn, số tiền vay chưa
đáp ứng được nhu cầu của người vay.
Để tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn, phát
huy lợi thế của địa phương, mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế
gắn với phát triển hàng hóa, tạo động lực cho chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng NTM của tỉnh sớm về đích, tại kỳ họp thứ chín, HĐND
tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt mức hỗ
trợ cho các hoạt động để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên
địa bàn xã thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo dự thảo Quy định mức hỗ
trợ cho các hoạt động để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên
địa bàn xã thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ trích từ nguồn vốn sự nghiệp
của Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng
NTM hằng năm, UBND tỉnh lựa chọn một số giống, cây, con để hỗ trợ cá
nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ các trang trại, gia trại
hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ
nông thôn tại các xã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia
xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo thực hiện, giúp người nông
dân nâng cao giá trị thu nhập, hoàn thiện tiêu chí số 10 trong Bộ tiêu
chí Quốc gia xây dựng NTM.
Theo đó, đối với hoạt động chuyển đổi giống cây trồng: Sẽ
thực hiện hỗ trợ 100% giá giống lúa chất lượng cao, có quy mô diện tích
liền vùng từ 05 ha trở lên với định mức 60 kg/ha. Hỗ trợ giá giống 3
triệu đồng/ha/vụ (hỗ trợ tối đa 03 vụ/năm) để sản xuất rau, quả (ớt, dưa
chuột, đậu cô ve, cà chua,...) có quy mô diện tích liền vùng trồng tập
trung 3 ha trở lên. Hỗ trợ mua giống chè chất lượng cao với mức 6 triệu
đồng/ha và hỗ trợ 5 triệu đồng/ha mua phân bón để trồng lại phục vụ chế
biến chè xanh (quy mô liền vùng từ 01 ha trở lên, định mức 20.000
bầu/ha). Hỗ trợ mua cây giống bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng (có diện tích
trồng tập trung từ 0,1 ha trở lên, đảm bảo mật độ 400 cây/ha) với mức hỗ
trợ 4 triệu đồng/ha. Hỗ trợ chuyển đổi diện tích rừng trồng bạch đàn
tái sinh kém hiệu quả sang trồng rừng thâm canh bằng giống keo tai tượng
hạt ngoại, hỗ trợ giá giống 2 triệu đồng/ha, hỗ trợ phân bón lót 1,7
triệu đồng/ha (quy mô trồng tập trung từ 0,5 ha trở lên).
Đối với hoạt động chuyển đổi giống vật nuôi, thủy sản: Hỗ
trợ mua giống 10 triệu đồng/lồng, không quá 02 lồng/hộ để nuôi giống cá
đặc sản (cá lăng, cá chiên, cá trắm đen) trên sông, hồ thủy lợi theo
hướng hàng hóa, tối thiểu kích thước lồng nuôi ≥ 100m3 /lồng.
Hỗ trợ mua giống bò cái Zêbu với mức 07 triệu đồng/con (mức hỗ trợ tối
đa không quá 3 con/hộ). Hỗ trợ giống lợn nái 100% máu ngoại, trọng
lượng ≥ 50kg/con,quy mô hỗ trợ ≥ 2 con lợn nái ngoại/hộ với mức hỗ trợ
1 triệu đồng/con, tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ.
Bằng chính sách hỗ trợ cụ thể, hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế
của địa phương, tin rằng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT - XH, xóa
đói giảm nghèo, nâng cao hơn nữa đời sống người dân, thực hiện thắng lợi
các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM của tỉnh.
Khuất Thủy