Ghi nhận sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TU của Tỉnh ủy

Các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM của các xã được cải thiện về chất lượng và số lượng; kết cấu nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả trong sản xuất, dân sinh; khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh và phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, tạo động lực thúc đẩy Phú Thọ phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong những năm tiếp theo.

Ngay sau khi có Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 20/11/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển NTM tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, xác định xây dựng NTM là để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn mà người nông dân được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là người thực hiện, vừa là người thụ hưởng, Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở đã nhanh chóng đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tổ chức thực hiện; tập trung vận động nhân dân hợp sức cùng chính quyền tiến hành các bước xây dựng NTM của địa phương theo lộ trình đề ra. Từ đó, vai trò chủ thể của người dân được phát huy và đề cao. Người dân đã nhận thức rõ về lợi ích và hiệu quả mà phong trào mang lại, thấy được vai trò và trách nhiệm của mình nên đã chủ động chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tích cực tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, tháo dỡ công trình... góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng NTM của tỉnh. Sau 5 năm triển khai, chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” đã trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp nên đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng. Tổng nguồn vốn huy động giai đoạn 2010 – 2014 là trên 2.132,8 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động trong dân ước đạt trên 768 tỷ đồng... Đây là nguồn lực quan trọng tác động trực tiếp đến tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi bức tranh nông thôn của tỉnh theo hướng tích cực.

 

Để tạo tiền đề trong xây dựng NTM, trong giai đoạn này, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng - những điều kiện vật chất cơ bản nhất thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần đáp ứng các tiêu chí của NTM. Từ nguồn vốn trên, đã triển khai 376 công trình hạ tầng thiết yếu, bao gồm 224 công trình giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm, nội đồng, 45 công trình thủy lợi; trên 100 công trình điện, chợ, trường học, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, trạm y tế, khu thu gom giác thải; tỷ lệ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn năm 2013 là 35,5%, tăng 22,2% so với năm 2010, ước năm 2014 là 40%. Một số xã thực hiện tốt công tác vận động nhân dân và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tâng thiết yếu như xã Thượng Nông, xã Hương Nộn (huyện Tam Nông), xã Minh Tiến (huyện Đoan Hùng), xã Đông Thanh (huyện Thanh Ba).

 

Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn. Các chương trình nông nghiệp trọng điểm, chương trình sản xuất lương thực được triển khai hiệu quả. Năng suất lúa bình quân đạt 54,6 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 466 nghìn tấn. Diện tích cây chè duy trì 15,6 ngàn ha, sản lượng đạt trên 131 ngàn tấn. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng. Diện tích trồng rừng tập trung bình quân toàn tỉnh đạt 6 ngàn ha, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 345 nghìn m3. Chương trình phát triển thủy sản, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả được quan chú trọng đầu tư. Chương trình sản xuất nông nghiệp cận đô thị với 17 dự án được phê duyệt đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an toàn lương thực, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Sản xuất nông nghiệp luôn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định trên 6%/năm. Các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông nghiệp tiếp tục được mở rộng và đầu tư chiều sâu, chuỗi giá trị ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao giá trị kinh tế tính trên một đơn vị đất canh tác. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, trong đó, khu vực nông thôn có tốc độ giảm nhanh. Bình quân thu nhập khu vực nông thôn năm 2014 ước đạt 19,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,64 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,52%, giảm 6,68% so với 2010; bình quân giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 73 triệu đồng/ha. Một số mô hình điển hình trong sản xuất như: nuôi gà đồi ở xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), xã Phú Mỹ, xã Liên Hoa (huyện Phù Ninh), xã Vân Du (huyện Đoan Hùng); nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc, xã Bảo Yên, xã Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy), xã Quang Húc (huyện Tam Nông); xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Cao Xá, xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao), xã Lương Lỗ, xã Đỗ Xuyên, xã Đông Thành (huyện Thanh Ba), xã Phương Xá, xã Tình Cương (huyện Cẩm Khê).

 

Các tiêu chí phát triển văn hóa, xã hội nâng cao đời sống tinh thần của cư dân nông thôn tiếp tục được chính quyền địa phương quan tâm. Tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 – 1015 và quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh giai đoạn 2011- 2020, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 85,1%, tăng 8,25% so với năm 2011; phổ cập giáo dục THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học phổ thông, bổ túc, học nghề so với độ tuổi đạt 77,4%. Việc triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020” đã đạt được một số kết quả bước đầu. Đến hết năm 2013, số lao động nông thôn được học nghề là 17,93 nghìn người; số lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm đạt 83%… Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục được triển khai tích cực, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 87% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 86% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, 98,85% khu dân cư có nhà văn hóa. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 76%. Tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (theo chuẩn mới giai đoạn 2011 – 2020) ước đạt 21,6%.

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã có 2 xã đạt xã NTM, 25 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 75 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 134 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 11 xã đạt dưới 5 tiêu chí; tổng số tiêu chí toàn tỉnh tăng 714 tiêu chí so với năm 2011. Đã có 4 xã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 6 xã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 13 tập thể được tặng Bằng khen của Tỉnh ủy trong việc thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM. Đây là tiền đề tích cực để tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong những năm tiếp theo.

 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU cũng bộc lộ những hạn chế như tiến độ còn chậm so với kế hoạch; nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; chất lượng quy hoạch chưa cao, quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ; việc nhân rộng mô hình sản xuất, đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn; thực hiện liên kết “4 nhà” còn chưa được nhiều; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa thường xuyên, liên tục; vai trò của chính quyền, các đoàn thể cơ sở chưa rõ nét, chưa quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết, chương trình…

 

Để đảm bảo đạt được mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TU, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đang đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nỗ lực, phát huy vai trò và trách nhiệm của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết, đưa mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh sớm về đích.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website