Lâm Thao vào chặng nước rút xây dựng huyện nông thôn mới

1
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Thao.
Ảnh: Phương Thanh

Đến bất cứ xã nào trên địa bàn huyện Lâm Thao, chúng tôi cũng thấy rõ những đổi thay. Điện, đường, trường, trạm khang trang, hệ thống kênh mương nội đồng đủ nước. Có được điều này, Đảng bộ huyện đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở. Không đầu tư dàn trải, huyện tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như: Xây dựng hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất, lập quy hoạch chi tiết nông thôn mới. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tốc độ phát triển CN – TTCN, huyện đã khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm; chú trọng các ngành, hàng có lợi thế, có thị trường như: Phân bón, hóa chất, chế biến nông sản - thực phẩm, dệt may, sửa chữa lắp ráp cơ khí và vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh xã hội hoá nhằm hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp - làng nghề, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, nhân cấy các nghề mới theo nhu cầu thị trường như: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ dân dụng, sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, lễ hội, tiêu dùng... nhằm đạt mục tiêu đưa giá trị sản xuất đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng vào năm 2015. Song song với ngành nghề CN – TTCN, huyện quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ- thương mại thông qua việc bố trí quỹ đất, huy động vốn và khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng chợ đầu mối trung tâm huyện, cải tạo nâng cấp các chợ nông thôn, phát triển nhà hàng, trung tâm thương mại, dịch vụ ở các xã, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Để chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huyện đã ban hành Nghị quyết “Phát triển sản xuất nông nghiệp cận đô thị, tăng giá trị và hiệu quả trên đơn vị diện tích, giai đoạn 2011 - 2015”; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm; tiến hành dồn đổi ruộng đất đồng thời hình thành các vùng sản xuất tập trung và đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi. Tỷ trọng ngành trồng trọt toàn huyện dần giảm xuống, nếu như năm 2010 là 52% thì nay còn 46%; giá trị sản xuất bình quân đầu nhiệm kỳ là 70 triệu đồng nay đã tăng lên trên 100 triệu đồng/ha canh tác. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản phát triển theo hướng tập trung với tỷ trọng tăng dần từ 48% năm 2010 lên trên 53% năm 2013. Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung dần hình thành như cánh đồng mẫu lớn ở Vĩnh Lại, Cao Xá; sản xuất rau an toàn ở Tứ Xã; nuôi trồng thuỷ sản tại cụm xã Vĩnh Lại, Cao Xá, Tứ Xã…

Lâm Thao là một trong những địa phương đi đầu toàn tỉnh trong việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Huyện đã gắn mục tiêu nông thôn mới với thực hiện khâu đột phá phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH. Chỉ sau 3 năm triển khai, huyện đã xây dựng được 44 công trình với tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình chiếm hơn 10%, gần 90% còn lại là vốn lồng ghép và huy động từ các nguồn lực khác. Trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục, huyện chủ trương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường, từng bước đổi mới giáo dục đào tạo, coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, từng bước tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đến thời điểm này, có khoảng 70% số xã trong huyện đã đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng thiết yếu. Qua kiểm tra đánh giá của huyện đã có 6 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới là: Sơn Dương, Tứ Xã, Thạch Sơn, Hợp Hải, Cao Xá, Xuân Huy. Huyện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tập trung hoàn thiện các tiêu chí chưa cập đối với các xã còn lại như tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Đồng chí Nguyễn Văn Khoẻ - Bí thư Huyện ủy Lâm Thao khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định phát triển năng lực sản xuất trong nông thôn và xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá quan trọng trong tiến trình đưa Lâm Thao trở thành huyện nông thôn mới. Do đó, huyện đã chỉ đạo, tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng thời huy động sức dân phù hợp với khả năng của từng xã. Huyện đã rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai đó là lựa chọn các hạng mục, tiêu chí ưu tiên đầu tư, có kế hoạch triển khai, lộ trình rõ ràng trên cơ sở phân tích tình hình thực tế. Đối với những tiêu chí có thể xã hội hóa như xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, huyện phát huy tối đa vai trò của nhân dân. Tiếp tục tuyên truyền để mỗi người dân hiểu mình chính là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đối với một số tiêu chí khó đạt trong xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, trường học, môi trường…,huyện chỉ đạo các xã đã tiệm cận NTM chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết; phân công các đồng chí BTV Huyện uỷ trực tiếp chỉ đạo để hoàn thành cho được các tiêu chí.

 Với chủ trương không chỉ trông chờ hỗ trợ từ cấp trên, huyện Lâm Thao đang tích cực huy động đa dạng hoá các nguồn vốn, lồng ghép với các chương trình triển khai thực hiện trên địa bàn đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM, phấn đấu đưa Lâm Thao trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2015.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website