|
Nông dân xã Cao Xá (huyện Lâm Thao) tăng cường
thâm canh các loại rau, màu ngắn ngày bằng các giống mới để nâng cao giá
trị hàng hóa trên diện tích canh tác. Ảnh: THU TRANG |
Dù ở giai đoạn cách mạng nào giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam
luôn kề vai sát cánh cùng với giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và
toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã đưa cách mạng Việt Nam
đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nước Việt Nam từ một nước nô lệ
bị thực dân xâm lược đã trở thành một nước độc lập, có vị trí trên
trường quốc tế. Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang là vấn đề quan trọng trong chiến
lược phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Giai cấp nông dân là lực
lượng to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước, nhất là trong lĩnh vực
nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khoá IX đã xác định “Hội Nông dân là trung tâm và nòng
cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”.
Ngày 3-12-2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61-KL/TƯ
về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát
triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân
Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”. Ngày 10-5-2011 Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 673/QĐ-TTg về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp
thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển
kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”; Tỉnh ủy Phú
Thọ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61-KL/TƯ và Quyết định
673/QĐ-TTg. Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch 102-KH/TU ngày
3-4-2014 để chỉ đạo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông
thôn theo Kết luận 61-KL/TƯ và Quyết định 673/QĐ-TTg.
5 năm qua từ khi triển khai Kết luận 61-KL/TƯ của Ban Bí thư Trung ương
Đảng và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nông nghiệp, nông
dân, nông thôn của tỉnh đã được Hội Nông dân phối hợp với các sở,
ngành, địa phương tập trung chỉ đạo. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện
việc phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn,
xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới theo các
chương trình, mục tiêu cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các
quy hoạch và phát huy tối đa lợi thế, thế mạnh của từng địa phương trong
tỉnh.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân và xây dựng giai cấp nông
dân Việt Nam vững mạnh, Hội nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên,
nông dân về các chủ trương Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước với nhiều hình thức phong phú, sinh động thông qua sinh
hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ, mở hội nghị, biểu dương các điển
hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi và gia đình nông dân văn
hoá. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, ý thức tự
lực tự cường vươn lên của nông dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng
cố niềm tin của nông dân đối với Đảng, nhà nước; tăng cường củng cố xây
dựng tổ chức Hội, chú trọng chất lượng hoạt động ở chi, tổ hội, nâng
cao chất lượng hội viên. Trong 5 năm đã kết nạp 14.959 hội viên, nâng
tổng số hội viên toàn tỉnh lên 202.921, đạt 89,8% so với hộ nông nghiệp
(tăng 6,6%), tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt đạt 95%, đảng viên ở nông
thôn tham gia sinh hoạt Hội Nông dân đạt 85%. Toàn tỉnh có 269 cơ sở
Hội, 2.696 chi hội, 1.264 tổ hội. Hàng năm 100% các huyện, thành, thị và
80,17% cơ sở Hội đạt vững mạnh, không có cơ sở yếu kém. 100% các cơ sở
Hội, 95% chi hội có quỹ với số tiền 8,3 tỷ đồng. Các phong trào thi đua
trong nông dân được các cấp Hội triển khai thực hiện đồng bộ đạt hiệu
quả, điển hình là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi,
đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tiếp tục phát triển
cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực: Trồng
trọt, chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ, mô hình kinh tế tổng hợp… Năm 2009
có 78.490 hộ đạt SXKD giỏi các cấp, bằng 69,7% số hộ đăng ký, năm 2013
có 92.784 hộ đạt SXKD giỏi các cấp, bằng 70,7% số hộ đăng ký (tăng
14.294 hộ) năm 2014 có 127.000 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các
cấp. Nhiều mô hình điển hình cho thu nhập cao từ vài trăm triệu đồng đến
hàng tỷ đồng/năm; các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi thu hút hàng
trăm lao động ở nông thôn có việc làm, ổn định đời sống và giúp các hộ
nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm đã xoá được 5.400 hộ nghèo, góp
phần tích cực hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2013 xuống còn 12,57%
(theo chuẩn mới).
Hội nông dân các cấp đã vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng kết
cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng gia đình nông dân văn hoá, khu dân cư
văn hoá, xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể như: Hiến đất
làm đường giao thông nông thôn, làm các công trình công cộng, huy động
ngày công, đóng góp tiền, ủng hộ vật liệu… Trong những năm qua, nông dân
trong tỉnh đã hiến hơn 131,7 ngàn m2 đất để xây dựng các công trình
công cộng hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn. Thực hiện chương trình bảo vệ
môi trường nông thôn, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành tích
cực tuyên truyền cán bộ, hội viên tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường
nông thôn. Các cấp Hội tích cực đẩy mạnh các phong trào văn hoá, văn
nghệ, thể thao góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, giao lưu
học hỏi giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh, tích cực xây dựng đời
sống văn hoá, khu dân cư văn hoá, tham gia xây dựng các thiết chế văn
hoá, quy ước, hương ước ở khu dân cư. Năm 2009 có 2.292 khu dân cư đạt
khu dân cư văn hoá, bằng 80%, có 159.767 hộ nông dân đạt gia đình nông
dân văn hoá, bằng 85,12%. Năm 2013 có 2.435 khu đạt khu dân cư văn hoá,
bằng 85% và 174.512 hộ nông dân đạt gia đình nông dân văn hoá, bằng
86%. Toàn tỉnh có 728 đội bóng chuyền nông dân, có 225 đội bóng đá, 851
đội văn nghệ nông dân, 365 câu lạc bộ nông dân.
Hội Nông dân các cấp phối hợp với quân sự, công an, chính quyền địa
phương làm tốt công tác tuyển quân, huấn luyện dân quân tự vệ, thực hiện
chính sách hậu phương quân đội, giữ gìn trật tự an ninh thôn xóm, phòng
chống các tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư
vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Phối hợp với Ngân hàng chính
sách tạo điều kiện cho 53.350 hộ nghèo của 232 xã vay vốn đầu tư vào sản
xuất với số dư 907,4 tỷ đồng thông qua 1.387 tổ tiết kiệm vay vốn.
Nguồn quỹ hỗ trợ nông dân 16,142 tỷ đồng, quỹ hội 813 tỷ đồng, vốn 120
hỗ trợ việc làm 2,3 tỷ đồng tạo điều kiện cho trên 1.220 lượt hộ nông
dân vay đầu tư theo phương án sản xuất phát triển kinh tế. Hàng năm Hội
phối hợp với Công ty cổ phần supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao mua
phân bón chậm trả với số lượng hơn 10.000 tấn giúp nông dân đầu tư vào
sản xuất; mở 217 lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sử dụng phân bón Lâm
Thao khép kín cho hàng ngàn hộ nông dân; dạy nghề ngắn hạn cho trên
2.000 lao động nông thôn, gồm các nghề: Trồng rau an toàn, chăn nuôi thú
y, bảo vệ thực vật, trồng hoa cây cảnh, chế biến nông sản thực phẩm.
Vận động nông dân mua trên 1.400 máy nông nghiệp đưa cơ giới hoá vào sản
xuất mang lại hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất và lao động; tăng
năng suất và giá trị sản phẩm hàng hoá trong nông nghiệp.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận 61-KL/TƯ, Quyết định 673-QĐ/TTg
và Nghị quyết 26-NQ/TƯ (khoá X) đã khẳng định vai trò trung tâm nòng cốt
của Hội Nông dân với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa
bàn tỉnh; đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện,
bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông
dân ngày càng được khẳng định; là trung tâm nòng cốt trong các phong
trào thi đua trong nông dân, điển hình là “Phong trào nông dân thi đua
sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền
vững”. Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, các
cấp nông dân trong tỉnh tiếp tục xác định vai trò nòng cốt trong các
phong trào thi đua, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá
nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”.
Nguồn: Báo phuthoOnline