Kinh nghiệm bước đầu thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
1
Nhờ triển khai thu gom rác thải tập trung nên đường làng, ngõ xóm ở xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy sạch sẽ, bộ mặt nông thôn cải thiện đáng kể.

Qua quá trình triển khai cho thấy tiêu chí số 17 là một trong những tiêu chí phức tạp và khó thực hiện nhất do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tiêu chí môi trường gồm 5 nội dung nhỏ, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Thứ hai, để thực hiện được các nội dung của tiêu chí này thì cần đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng lớn trong khi đó từ trước đến nay, cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường (BVMT) chưa được đầu tư nhiều nên mức độ đáp ứng thấp so với yêu cầu. Thứ ba, nhu cầu về vốn để hoàn thành các nội dung của tiêu chí rất lớn, việc cân đối bố trí vốn và huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Và một nguyên nhân nữa là nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về đảm bảo vệ sinh môi trường chưa cao.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng NTM, trong số 5 nội dung của tiêu chí 17 thì đa số các nội dung đều gặp vướng mắc, tỷ lệ đạt thấp. Cụ thể, số cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về môi trường có gần 7.000 cơ sở trên tổng số khoảng 12.000 cơ sở, chiếm tỷ lệ chưa đến 60%. Toàn tỉnh có khoảng 230 nghĩa trang nhân dân được xây dựng và quản lý theo quy hoạch trên tổng số 320 nghĩa trang. Tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh theo chuẩn chưa đến 50%. Và nan giải nhất vẫn là vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bởi toàn tỉnh hiện chỉ có 37 HTX làm dịch vụ môi trường, 7 tổ vệ sinh môi trường, 4 ban quản lý các công trình công cộng thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Với con số này thì xử lý rác thải nông thôn vẫn là thách thức đang được đặt ra.

 Thực tế cho thấy, trong tổng số 40 xã của tỉnh đã hoàn thành tiêu chí 17, đa phần là những xã thuộc vùng đồng bằng, cận đô thị. Các xã thuộc miền núi khó đáp ứng được các tiêu chí này. Điển hình như các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Cẩm Khê mới chỉ có từ 1 đến 2 xã đạt tiêu chí môi trường. Từ những xã đã hoàn thành tiêu chí môi trường, có thể rút ra một số kinh nghiệm.

Trước hết, để đạt tiêu chí môi trường, các xã thực hiện xã hội hóa công tác BVMT, huy động các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền. Đầu tư cho các hoạt động BVMT cần nguồn kinh phí lớn trong khi vốn của Nhà nước có hạn, vì vậy xã hội hoá công tác BVMT là một trong những giải pháp tích cực, huy động tất cả các nguồn lực xã hội tham gia BVMT. Lâm Thao là huyện thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn, có 8 xã trong huyện đã đạt tiêu chí môi trường. Ở các xã đã đạt tiêu chí này có sự vào cuộc tích cực của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhân dân. Xác định rõ công tác vệ sinh môi trường nông thôn tồn tại nhiều bất cập nên các xã nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về BVMT; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với MTTQ và các tổ chức đoàn thể nhân dân với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên về ý thức trách nhiệm BVMT. Với ý thức của người dân nâng cao cùng với tận dụng ưu thế cận đô thị nên các xã thuộc huyện Lâm Thao sớm triển khai mô hình thu gom rác thải sinh hoạt, rác được vận chuyển đi xử lý. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn của huyện đã triển khai thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; việc thu phí vệ sinh đạt tỷ lệ trên 90% số nhân khẩu có mặt tại địa phương. Nhiều xã xây dựng được một số mô hình kiểu mẫu, điển hình như mô hình "tiếng kẻng vệ sinh môi trường", phụ nữ với phong trào “năm không, ba sạch”; mô hình xử lý nước thải sinh hoạt bằng bể thu gom, lắng, lọc trước khi xả ra nơi công cộng tại xã Hợp Hải, Tứ Xã.

Tại huyện Hạ Hòa công tác xã hội hóa BVMT cũng được chú trọng. Các xã đổi mới công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia chỉnh trang, xây dựng đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình xanh, sạch, đẹp. Nhằm tăng số lượng xã thực hiện thu gom rác thải tập trung, huyện đã triển khai thực hiện trên địa bàn 10 xã thuộc chương trình xây dựng NTM đến 2015, hướng dẫn các xã xây dựng quy chế BVMT, thành lập các HTX, tổ dịch vụ để thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn các xã.   

Mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ NFi-05 tại huyện Cẩm Khê đã đạt được hiệu quả bước đầu và trong thời gian tới sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ NFi-05 tại huyện Cẩm Khê đã đạt được hiệu quả bước đầu và trong thời gian tới sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường, ngoài sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thì cần có sự ủng hộ tham gia của mọi người dân. Ở nhiều địa phương chưa hình thành được điểm thu gom rác thải thường xảy ra tình trạng người dân xả thải rác bừa bãi. Hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất TTCN, làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, tiềm ẩn nhiều khả năng phát sinh và lây lan dịch bệnh, mất mỹ quan làng xóm. Ý thức người dân có cao thì thực hiện tiêu chí môi trường mới sớm thành công. Điển hình như xã Gia Điền (huyện Hạ Hoà) đã vận động người dân tự phân loại rác, rác hữu cơ người dân tự xử lý bằng chôn lấp trong khuôn viên vườn, với rác vô cơ xử lý bằng lò đốt rác mini của khu dân cư. Người dân chấp hành nghiêm chỉnh nên môi trường được đảm bảo. Tuy mới là giải pháp tình thế nhưng đã có tác dụng tích cực trong khi chưa có nguồn kinh phí để xây dựng địa điểm tập kết và chôn lấp rác. Từ xã điểm Gia Điền thấy rằng, để thực hiện tiêu chí môi trường thành công thì cũng cần sự chung sức và vào cuộc tích cực của nhân dân, tránh tư tưởng ỷ lại, coi đầu tư hạ tầng là mấu chốt trong thực hiện tiêu chí này.

Thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM cần rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, điều căn bản là các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để có những giải pháp nhằm đáp ứng từng nội dung của tiêu chí. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Minh – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình MTQG  xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Tiêu chí môi trường là tiêu chí hầu hết các xã đều gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các địa phương cần phải có lộ trình để thực hiện một cách vững chắc từng nội dung. Trong tiêu chí này nội dung thu gom xử lý rác thải tập trung là khó thực hiện bởi liên quan đến mặt bằng, địa điểm thu gom, hình thức xử lý và kinh phí. Vì vậy, các địa phương cần căn cứ vào điều kiện và nguồn vốn để tính toán phương án cho phù hợp. Với các xã đồng bằng, cận đô thị có thể tiến hành thu gom và vận chuyển đi xử lý. Với các xã trung du có phương án thu gom và chôn lấp hoặc xây dựng lò đốt rác, các xã vùng cao khi chưa hình thành được điểm thu gom thì trước mắt vận động người dân xử lý tại nhà. Tuy nhiên, muốn thực hiện thành công trước hết phải nâng cao ý thức người dân”.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website