Giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới (Kỳ I: Những khó khăn cần tháo gỡ)

Chính quyền xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, kết hợp trồng hoa hai bên đường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, giữ vững tiêu chí NTM.

Trăn trở với bài toán thu nhập

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội. Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình NTM, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 76 xã đạt chuẩn NTM, đạt 166% kế hoạch, nâng tổng số xã đạt NTM là 95 xã (chưa sáp nhập là 122 xã). Tính đến 31/5/2022, toàn tỉnh có 122 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã, 1.459 khu dân cư NTM (tăng thêm 42 khu so với năm 2021), bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân được phát huy hiệu quả, nhờ đó tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Từ đầu năm 2022, Trung ương ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, nhiều tiêu chí của xã đạt chuẩn NTM được quy định nâng cao hơn. Quy định mức thu nhập bình quân đầu người nông thôn sẽ tăng cao hơn theo từng năm, đây là thách thức không nhỏ với các địa phương. Vì vậy, các xã đã đạt chuẩn NTM phải nâng cao chất lượng các tiêu chí để bắt kịp bộ tiêu chí mới. Thực tế cho thấy, tiêu chí số 10 thu nhập được đánh giá là tiêu chí khó, với những địa phương đã đạt chuẩn NTM thì việc giữ vững tiêu chí này cũng đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, tiêu chí thu nhập của nhiều xã ở ngưỡng vừa đạt, vì vậy nếu không có giải pháp hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững của tiêu chí. Trong quá trình phát triển kinh tế, với các xã thuần nông, tỉ lệ lao động nông nghiệp cao, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung hay hướng liên kết bền vững, chuyển đổi lao động sang khu vực khác còn chậm thì nâng cao thu nhập là vấn đề khó. Một phần, do nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư cho việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn ít, mặt khác từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã tác động, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nên việc giữ vững tiêu chí thu nhập lại càng khó khăn.

Hoàn thành chương trình xây dựng NTM từ năm 2018, hiện Minh Đài là xã đạt chuẩn NTM duy nhất của huyện miền núi Tân Sơn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Thu Hương thông tin: “Khi đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, năm 2021 đạt 33 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thu nhập bình quân năm 2021 giảm 1,6 triệu đồng so với năm 2020 và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (36 triệu đồng/người/năm). Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, giá cả hàng hóa, nông sản ổn định, việc làm của lao động được đảm bảo nên thu nhập người dân tăng. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao, đảm bảo thu nhập theo tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 thì với xã miền núi không phải dễ thực hiện do đặc thù trình độ sản xuất người dân không đồng đều, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới, xã sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững và nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu ổn định, trình độ sản xuất của người dân không đồng đều, sản phẩm có tính cạnh tranh không cao, đặc biệt nhận thức của người dân trong việc chủ động thực hiện phát triển kinh tế gia đình, tập quán canh tác... cũng là những trở ngại cho việc nâng cao tiêu chí thu nhập của các địa phương, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Người dân xã Minh Đài, huyện Tân Sơn tích cực đầu tư sản xuất tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giữ vững và nâng cao tiêu chí thu nhập của địa phương.

“Mềm” mà khó

Cùng với thu nhập, các tiêu chí về môi trường, bảo hiểm y tế, tiếp cận pháp luật, an ninh trật tự... cũng được đánh giá là khó thực hiện hay giữ vững bởi đây là tiêu chí dễ biến động, khoảng cách giữa đạt và không đạt khá “mong manh”, thiếu bền vững. Đồng chí Đào Ngọc Kỳ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Thủy cho biết: Đa số các xã đã công nhận đạt chuẩn NTM để giữ vững và nâng cao còn vướng vấn đề môi trường, nhất là về thu gom rác thải tập trung, xử lý chất thải chăn nuôi. Tiêu chí môi trường không phải đầu tư quá nhiều kinh phí nhưng để hoàn thành, duy trì, nâng cao đòi hỏi sự chung tay vào cuộc thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, trong đó phụ thuộc phần nhiều vào ý thức của người dân.

Với các xã đạt tiêu chí môi trường, việc thu gom rác thải sinh hoạt hiện đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương, được xử lý tập trung hoặc chủ động xử lý theo hướng dẫn đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, công tác này có địa phương thực hiện chưa triệt để bởi thực tế nhiều hộ dân chưa chủ động sẵn sàng tham gia, chi trả phí dịch vụ thu gom rác thải. Môi trường nông thôn đang chịu sức ép ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp lực từ phát triển kinh tế và xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sản xuất của làng nghề… Không ít địa phương mới xử lý, thu gom chất thải rắn còn nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi chưa được thu gom và xử lý, nhiều xã xử lý rác thải chủ yếu bằng phương pháp đốt thô sơ nên không đảm bảo.

Bên cạnh đó, các địa phương đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân tham gia công tác giữ gìn vệ sinh chung tại các khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường một số nơi chưa cao, tình trạng vứt, xả rác bừa bãi ở những khu đất trống, ven đường, ven suối, kênh, mương vẫn còn nên việc giữ vững tiêu chí này cũng không phải đơn giản.

Bảo đảm an ninh trật tự có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong chương trình xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là tiêu chí khó giữ vững, dễ có sự biến động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Vì vậy, việc giữ vững các tiêu chí “mềm” trong xây dựng NTM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp bởi sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, các địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm, xây dựng NTM không dừng lại ở việc hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát triển thành quả đạt được, đồng thời đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao đời sống người dân. Các địa phương cần có ý thức gìn giữ thành quả xây dựng NTM đã đạt được, nâng cao chất lượng các tiêu chí để không bị tụt hậu và mất danh hiệu NTM.

>>> Kỳ II: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

                                                                                                 Huế - Oanh (Nguồn: baophutho.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website