Phong trào xây dựng NTM ở huyện miền núi Yên Lập đang được các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
|
Những năm gần đây, huyện Yên Lập tập trung phát triển đàn trâu, bò, đã tạo ra nguồn lợi đáng kể, góp phần tăng thu nhập và là hướng phát triển kinh tế bền vững của nhiều hộ dân trong huyện. |
Ở Yên Lập hôm nay, đường sá từng bước được cứng hóa, điện thắp sáng đã về đến phần lớn các khu dân cư, nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật để làm giàu. Từ năm 2010 đến nay, huyện tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về xây dựng NTM để cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc thực hiện. Việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn đã bước đầu phát huy hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh đảm bảo, hệ thống chính trị vững mạnh, diện mạo nông thôn miền núi Yên Lập có nhiều đổi mới.
Đến nay, sản lượng lương thực của huyện đạt 37.400 tấn/năm; bình quân lương thực đạt trên 430 kg/người/năm. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật của chương trình NTM cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, người dân đã có thêm kiến thức để vươn lên phát triển kinh tế. Là huyện có tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp, diện tích đất đồi rừng khá lớn với trên 33.000ha, mỗi năm Yên Lập trồng mới hàng nghìn ha rừng, góp phần giữ ổn định độ che phủ rừng cho toàn huyện. Ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân đã nâng lên, nhiều mô hình nông lâm nghiệp được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân Yên Lập giờ đây trồng và phát triển vốn rừng rất “có nghề”, khai thác đến đâu, bà con trồng luân canh đến đó, không cho đất trống, đất nghỉ. Sau mỗi mùa khai thác gỗ, lại có thêm nhiều nhà xây mới.
Xã Thượng Long trước đây đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng độc canh kéo dài, nếp nghĩ, nếp làm còn lạc hậu. Đến nay, cùng với xu thế chung của xã hội với công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn, Thượng Long đang từng bước thay đổi, khơi dậy nội lực để có cuộc sống mới no đủ hơn. Ông Nguyễn Kim Thành - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chương trình xây dựng NTM đã trang bị cho người dân kiến thức khoa học kỹ thuật, có định hướng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chăn nuôi theo quy mô lớn theo hướng hàng hóa với nhiều mô hình tập trung, theo kiểu gia trại, trang trại đang phát triển mạnh trên địa bàn xã. Tiềm năng, thế mạnh nhất của xã là phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế lâm nghiệp góp phần tạo nên sự đổi thay của Thượng Long khi ngày càng có nhiều hộ biết khơi dậy tiềm năng to lớn của những cánh rừng, quả đồi. Tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã trên 2.200ha, với diện tích rừng trồng, ngoài những loại cây lấy gỗ như keo, mỡ xã đang mở rộng diện tích cây quế”.
Xác định giao thông là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2010 đến nay, huyện Yên Lập tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn đầu tư cho hệ thống giao thông nông thôn, lồng ghép các chương trình, dự án và nhân dân đóng góp tiền mặt, vật liệu, ngày công lao động, giá trị tài sản, đất đai, hoa màu và hiến đất làm đường. Sau 5 năm, đường làm mới đạt khoảng 4km; đường nâng cấp, cải tạo là trên 235km.
Tuy công cuộc xây dựng NTM của huyện Yên Lập đã đạt được những kết quả bước đầu song vẫn còn những khó khăn không nhỏ. Trước thực trạng đó, nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đang được huyện tập trung thực hiện như: Tuyên truyền sâu rộng và cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cùng các giải pháp của chương trình xây dựng NTM để mỗi người dân đều hiểu, đồng tình và tham gia tích cực. Tập trung thực hiện các nội dung mang tính xã hội hóa, cần ít nguồn lực, ít vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, trong đó từng xã phải có kế hoạch thực hiện cụ thể từng tiêu chí theo thứ tự ưu tiên phù hợp với nguồn lực hiện có. Hình thành các vùng sản xuất tập trung trong nông nghiệp, tạo ra các cánh đồng có quy mô lớn, ít bờ vùng, bờ thửa để tiện lợi áp dụng cơ giới hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, qua đó nâng cao mức thu nhập cho người dân.
Nguồn: baophutho.vn