Định hướng truyền thông trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Nhiều cách làm hay, sáng kiến trong nông thôn mới đã được phổ biến và nhân rộng, điển hình là hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, hình thành những con đường hoa, những câu lạc bộ, hội quán, tổ hợp tác trong phát triển sản xuất, gần 4.800 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên với sự tham gia của gần 2.700 chủ thể. Truyền thông về chương trình xây dựng nông thôn mới được tổ chức dưới các hình thức khác nhau, như: hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, các lớp tập huấn, các phong trào thi đua, các cuộc thi văn hoá, văn nghệ, sáng tác thơ, ca, truyện, kịch… về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, kết quả và các giải pháp thực hiện góp phần vào thành công của Chương trình.

Cùng với đó, tuyên truyền đã đi liền với giám sát, đôn đốc và biểu dương; qua đó ghi nhận, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo tại mỗi đơn vị, mỗi khu dân; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, cũng như kiến nghị, đề xuất của người dân trong quá trình thực hiện là cơ sở để các cấp chính quyền từ Trung ương và địa phương có những chỉ đạo cụ thể, hiệu quả và điều chỉnh cơ chế, chính sách ngày càng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng của xây dựng nông thôn mới.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết, Đảng và Nhà nước đã khẳng định chúng ta không tự thỏa mãn, hài lòng mà phải tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển nền nông nghiệp hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ số, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản với thị trường tiêu; ngày càng cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nông dân; môi trường, sinh thái khu vực nông thôn được bảo vệ; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn, đảm bảo ổn định trật tự xã hội, an ninh quốc phòng.

Xã Tượng Sơn, Huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về các chủ trương của Đảng trong xây dựng nông thôn mới theo hướng “toàn diện, nâng cao và bền vững”  cùng với phát huy vai trò chủ thể của người dân đã được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong giai đoạn 2021 - 2025, công tác truyền thông tuyên truyền phải được tổ chức có hệ thống, đồng bộ, đa dạng về hình thức, đổi mới về nội dung và luôn đi trước một bước với cách tiếp cận mới, tư duy mới trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”, hướng đến xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”.

Để khắc phục một số hạn chế của công tác truyền thông trong giai đoạn trước đây, vừa phát huy kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, nhất là nâng cao nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về các chủ trương mới, nội dung mới trong xây dựng nông thôn mới, công tác truyền thông trong giai đoạn 2021-2025 phải đáp ứng được yêu cầu:

Xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh

- Thúc đẩy chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ cơ sở, người dân và cộng đồng nông thôn nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, sáng tạo, cùng hợp tác, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

- Tạo động lực để các địa phương phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn do tác động của thiên tai và dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19. Khuyến khích các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

- Góp phần thực hiện thành công định hướng chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các sản phẩm đa giá trị; phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng miền;

- Tập trung tuyên truyền về những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Chương trình MTQG NTM trong giai đoạn 2021-2025 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chú trọng đến nâng cao chất lượng sống, tri thức của người dân nông thôn (nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi ngành hàng; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP,  hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị, văn hoá truyền thống …); đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển ngành nghề nông thôn và sản phẩm OCOP,  chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn…; tăng cường năng lực cho các cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn./.

                                                                                                 BTM (Nguồn: nongthonmoi.gov.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website