Du lịch nông nghiệp: Xây dựng nông thôn mới từ “công nghiệp không khói"

Vừa phát triển kinh tế, "không để ai lại phía sau"

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, để phát triển du lịch nông thôn hiệu quả góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập, sinh kế ổn định cho người dân thông qua hoạt động du lịch, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bền vững, du lịch nông thôn rất cần có sự hỗ trợ tập trung, đồng bộ của nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và các nguồn lực xã hội trong đó có nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Việc thống nhất đề xuất các nội dung hỗ trợ, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho du lịch phát triển du lịch nông thôn là hết sức quan trọng, làm cơ sở, tiền đề cho việc huy động nguồn lực từ trung ương, địa phương và từ khu vực tư nhân hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn.

Hội thảo bàn về du lịch nông thôn chiều 18.12.2021. Ảnh: Thu Hồng

Chiều 18.12.2021, tại hội thảo trực tuyến về định hướng quản lý, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ phát triển du lịch  nông thôn do Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức, ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh văn phòng – Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, nhấn mạnh: Về mặt xã hội, du lịch nông thôn góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội; du lịch nông thôn còn góp phần phục hồi, bảo tồn văn hóa; góp phần “không để ai lại phía sau”, tạo vai trò tích cực của du lịch nông thôn trong việc làm và giới.

Về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ, làm đa dạng về ổn định kinh tế, tăng đầu tư…  Về môi trưởng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái; làm mới các làng xã, xanh sạch; nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp.

Du lịch nông nghiệp luôn có sức hút với du khách. Ảnh: Vũ Long“Chính vì vậy, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, với mục đích phát triển du lịch nông thôn bền vững, bao trùm, đa giá trị nhằm khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và tự nhiên đặc sắc gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo…”- ông Nguyễn Minh Tiến nói.

 Phát triển du lịch nông thôn là ngành kinh tế mũi nhọn 

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 cần tập trung vào các vấn đề như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Nâng cấp, đầu tư các điểm đến du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Nâng cấp, đầu tư các điểm đến du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền triển du lịch nông thôn. Theo đó, cần tập trung vào 5 giải pháp, gồm: Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn. Thứ hai, huy động nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; thứ ba, phát triển nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn. Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch nông thôn. Thứ năm, xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn và thứ sáu, tăng cường hợp tác về du lịch nông thôn.

Cùng tham gia vào chương trình phát triển du lịch nông thôn, Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá: Du lịch nông nghiệp không bao giờ nhàm, chán luôn trải dài, nguồn nhân lực không thiếu và có thể giải quyết việc làm ở góc độ phi nông nghiệp với giá trị gia tăng cao cho nguồn nhân lực địa phương. Do đó, có thể phát triển du lịch nông nhiệp thành ngành mũi  nhọn mang lại thu nhập cao cho nông dân và nguồn thu kinh phí bền vững cho địa phương. Để phát triển du lịch nông thôn, cần nguồn kinh phí và tập trung cho đào tạo, định hướng, hướng dẫn người dân địa phương, về tận thôn, xóm, xã để định hướng. Đồng thời, có chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó cần đề xuất với Nhà nước có chí nh  sách đất đai, quy hoạch vùng hợp lý… bởi hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam đều muốn đến các vùng thôn quê, các vùng xa, hẻo lánh, các thôn bản… để khám phá, tìm hiểu. Khách du lịch trẻ trong nước cũng đang có xu hướng chuyển sang xu hướng này” – đại diện Tổng cục Du lịch thông tin.

8 đề xuất Bộ NNPTNT triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm

Để triển khai chương trình du lịch nông thôn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch  triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn, sử dụng ngân sách cấp trung ương tập trung vào 8 nhiệm vụ sau:

1. Điều tra, khảo sát thực trạng phát triển du lịch nông thôn tại 7 vùng trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống mạng lưới điểm đến du lịch nông thôn, đề xuất hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bộ một số điểm đến, sản phẩm du lịch tiêu biểu tại khu vực nông thôn; điều tra chi tiêu của khách du lịch tại khu vực nông thôn.

2. Hỗ trợ đầu tư và xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu tại một số địa phương như du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao, du lịch làng nghề; xây dựng làng du lịch thông minh... 

3. Hỗ trợ nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch và tuyên truyền quảng bá du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

4. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình khảo sát kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn với các doanh nghiệp lữ hành quy mô cấp vùng, cấp quốc gia.

5. Xây dựng, chuẩn hóa các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về  phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Tổ chức bồ i dưỡng, tập huấn, đào tạo nghề du lịch cho người dân nông thôn.

6. Xây dựng chương trình đánh giá chất lượng điểm đến, chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn; bộ tiêu chí về công nhận điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; hướng dẫn địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ triển khai thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn; dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

7. Tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá cho điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn quy mô cấp vùng, cấp quốc gia  8. Triển khai các hoạt động phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP: hướng dẫn, khai thác, đánh giá sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; Hỗ trợ kết nối các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch.

Là cơ quan được giao lập Ðề án “Phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn TP.Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp các ngành tiến hành đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của TP.Cần Thơ. Trên cơ sở đó, khảo sát, đề xuất mô hình DLNN phù hợp; đồng thời, đề xuất các chính sách, giải pháp và kế hoạch phát triển. Mục tiêu khi thực hiện đề án là tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho toàn ngành du lịch phù hợp tình hình mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

(Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ).

                                                                                                           Vũ Long (Nguồn: laodong.vn)

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website