Biến đổi khí hậu và dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ tới hoạt động của phần lớn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Để vượt qua khó khăn đòi hỏi các HTX phải chủ động tìm giải pháp để nâng cao năng lực thích ứng trong tình hình mới.
HTX sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh chú trọng kỹ thuật chăm sóc và thu hái chè.
Đối mặt với nhiều thách thức
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 501 HTX đang hoạt động với 109.000 thành viên, tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của các HTX đạt trên 6.000 tỉ đồng, doanh thu bình quân đạt gần 2,7 tỉ đồng/HTX. Trong đó, có 350 HTX đang hoạt động lĩnh vực nông nghiệp; 66 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 5 HTX hoạt động vận tải...
Các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của khu vực KTTT, HTX đều chịu tác động bởi dịch COVID-19 với mức độ khác nhau. Quá trình sản xuất, kênh phân phối, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, khả năng cung ứng dịch vụ của HTX và thu nhập, lợi ích của các thành viên HTX bị ảnh hưởng. Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục khiến thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó, giá vật tư nông nghiệp, nhất là thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng cao, giá nông sản không ổn định khiến các HTX hoạt động trong lĩnh vực này giảm doanh thu, lợi nhuận. Nhu cầu tiêu thụ nông sản, lương thực, thực phẩm của các nhà hàng, khách sạn, trường học,... giảm. Mặt khác, việc liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp trong sản xuất chưa nhiều và chưa mang tính ổn định. Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ yếu vẫn còn ở quy mô nhỏ nên khi dịch bệnh xảy ra, các HTX dễ chịu tác động bởi thị trường.
Chè là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, các HTX sản xuất, chế biến chè hầu hết đều giảm doanh thu do lượng hàng tiêu thụ giảm sút. Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, chế biến chè gặp một số khó khăn do nhu cầu nhập chè khô của các nước giảm, giá chè xuất khẩu giảm khoảng 10%, giá vật tư phục vụ sản xuất tăng 10-15%, giá vận chuyển (thuê container, vận chuyển tàu biển) có thời điểm cao gấp 7-10 lần.
HTX sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ có 14 thành viên, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 250 tấn chè thành phẩm. Từ đầu năm đến nay, HTX vẫn duy trì sản xuất chè xanh nhưng lượng hàng bán ra thị trường giảm rõ rệt so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Ông Nguyễn Hữu Hồng- Giám đốc HTX cho biết: Các hoạt động sản xuất, chế biến chè vẫn được duy trì nhưng sản lượng chè tiêu thụ có chiều hướng giảm. HTX vẫn chưa xây dựng được liên kết với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị nên đầu ra sản phẩm chưa thực sự bền vững. Ý thức được sự khó khăn chung nên chúng tôi chủ động lên kế hoạch tìm hiểu thị trường mới, duy trì tốt chất lượng sản phẩm để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng; chú trọng nâng hạng OCOP cho sản phẩm chè xanh. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra thị trường các loại chè xanh từ bình dân đến cao cấp nhằm thúc đẩy tiêu thụ.
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều HTX thu hẹp quy mô sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển tăng cao. Sản xuất gỗ là lĩnh vực cho thấy sự tác động rõ rệt nhất do các thị trường truyền thống đều giảm khả năng tiêu thụ. Dịch COVID-19 cũng khiến thị trường xuất khẩu trọng điểm bị thu hẹp, hàng hóa tồn đọng, giá đầu ra giảm, dẫn tới các đơn hàng vừa giảm, vừa khó thực hiện.
Các HTX trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng đều giảm tần suất, quy mô hoạt động. Các HTX vận tải phải đối mặt với khó khăn kép khi chi phí đầu vào cao, giá nhiên liệu tăng liên tục trong khi doanh thu lại giảm sút. Đặc biệt, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các HTX phải giảm công suất hoạt động, có thời điểm hoạt động không thường xuyên, thiếu ổn định. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm các HTX có dịch vụ vận chuyển hành khách.
Những khó khăn chung đòi hỏi các HTX phải nỗ lực thích ứng để duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Sản phẩm của HTX mì gạo Hùng Lô, TP Việt Trì được liên kết tiêu thụ với một số siêu thị và điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh.
Thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh
Để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo chuyển hướng sản xuất, kinh doanh và thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả. Không ít HTX đã tranh thủ giai đoạn này để củng cố hệ thống cơ sở sản xuất; tiếp cận công nghệ thông tin, thay đổi phương thức kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử... các HTX có cơ hội để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Với việc đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường, một số HTX đang từng bước thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh. Các HTX huy động mọi nguồn lực để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Trong lĩnh vực nông nghiệp có 61 HTX tham gia hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 24 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 18 HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
HTX nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp miền Bắc, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê chuyên trồng cây măng tây xanh với diện tích trên 3ha. HTX hiện có hai hình thức tiêu thụ măng tây khá hiệu quả là ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thông qua HTX rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao và bán hàng trực tuyến. Bà Lương Thị Kim Hiên - Giám đốc HTX cho biết: Để sản phẩm có đầu ra đảm bảo, trước hết chúng tôi chú trọng chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất an toàn trong sản xuất, đồng thời xây dựng liên kết tiêu thụ, nhờ đó sản phẩm của HTX không có tình trạng ùn ứ. Chúng tôi cũng đang tích cực quảng bá, áp dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh để đa dạng hóa kênh bán hàng.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để thúc đẩy KTTT, HTX vượt qua đại dịch, hướng tới ổn định và phát triển, Liên minh HTX tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp, triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, thúc đẩy phát triển KTTT, HTX nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ, phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trong tạo điều kiện cho các dự án của HTX được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức, giúp các HTX có kế hoạch chủ động ứng phó với đại dịch, thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất, phương án sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm là xây dựng phương án sản xuất phù hợp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, lựa chọn công nghệ sản xuất, cơ cấu, chủng loại giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sản xuất thích ứng với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, bản thân các HTX phải đổi mới quản lý, tích cực ứng dụng công nghệ, giao dịch thương mại điện tử vào các hoạt động sản xuất kinh doanh... Các HTX cần áp dụng công nghệ trong kinh doanh nhiều hơn như việc số hóa, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) hay tự động hóa trong các quy trình hoạt động; tổ chức tái cấu trúc, định vị hình ảnh của HTX. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ sẽ giúp tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí, cải thiện chiến lược kinh doanh và củng cố hệ thống vận hành.
Các HTX cũng cần chủ động cơ cấu lại sản phẩm, định hướng lại đầu tư, sản xuất các sản phẩm gắn với thị trường, nâng cao tỉ trọng chế biến sâu; tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm; linh hoạt, chủ động trong việc đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm, tránh “đứt gãy” chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch có tính dài hơi để nâng cao năng lực thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu; có chiến lược và giải pháp thiết thực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX ngày càng phát triển ổn định, bền vững.
Nguyễn Huế (Nguồn: baophutho.vn)