Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm chuyên nghiệp cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của vùng Đất Tổ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
HTX Sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè đảm bảo an toàn.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Cẩm Khê đã tăng cường chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn, qua đó đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Hiện nay, HTX Sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê đang từng bước khẳng định và nâng cao vị thế trên thị trường. Năm 2020 là năm bội thu khi sản lượng chè xuất khẩu đạt gần 1.000 tấn, với doanh thu hơn 30 tỷ đồng. Để đạt kết quả trên, với sự quan tâm, chỉ đạo của huyện, các sở, ban ngành của tỉnh, HTX đã đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và máy móc cơ giới hóa vào sản xuất với 45 lồng sao, 40 máy vò, 15 máy tách cẫng và 1 máy hút chân không, nâng cấp 7 máy sao lăn, 7 máy vò chè công suất lớn và 7 lò tiết kiệm nhiệt…
Anh Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Sản xuất và chế biến chè Đá Hen cho biết: Năm 2020, HTX đã tham gia thi cuộc thi mỗi xã một sản phẩm OCOP và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao. Năm 2021, chúng tôi tiếp tục đăng ký dự thi và mong muốn sản phẩm sẽ đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao. Để thực hiện mục tiêu đó, HTX đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, hoàn thiện các hồ sơ, giấy chứng nhận VietGap và thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết với hộ sản xuất, các công ty liên kết, các đại lý bán hàng…
Hay như HTX Thực phẩm Xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, sau một năm có mặt trên thị trường, sản phẩm mì rau củ của HTX đã chinh phục được người tiêu dùng bởi lợi ích của nó đối với sức khỏe, từng bước đưa sản phẩm mì rau củ vươn ra thị trường trên cả nước. HTX đã có 5 sản phẩm mì rau củ được công nhận là sản phẩm OCOP, kể từ khi được công nhận OCOP việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện nay, sản phẩm mì rau củ đang có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương,… Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm qua các kênh bán hàng online được HTX chú trọng đẩy mạnh, qua đó đã từng bước tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
HTX Thực phẩm Xanh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao từng bước đưa sản phẩm mì rau củ vươn ra thị trường trên cả nước.
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 52 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Thông qua việc đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP đã giúp các chủ thể có lợi thế khi tham gia thị trường với doanh thu tăng 17,6 % và giá bán tăng 12,2 % so với trước khi tham gia chương trình; đồng thời khuyến khích, tạo động lực cho các chủ thể tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết.
Theo kế hoạch, phấn đấu đến hết năm 2021 Phú Thọ có 78 sản phẩm đạt chuẩn ở cấp từ 3 sao trở lên. Để nâng tầm giá trị, chất lượng sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng trên cả nước biết đến như tăng cường hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, qua đó xây dựng và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước tiến tới xuất khẩu.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, không ngừng gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Tú Anh (Nguồn: baophutho.vn)