Thành phần kinh tế tập thể (KTTT) được “khai sinh” sau sự kiện ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia hợp tác xã nông nghiệp. 75 năm đã trôi qua, KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trước cơ hội và thách thức của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, KTTT luôn đổi mới để bắt nhịp với thời cuộc.
Quỹ tín dụng nhân dân Hùng Lô được thành lập từ năm 1998, đến nay đã giải quyết nhu cầu vay vốn cho trên 2.000 thành viên (số liệu đến tháng 6/2021).
“Dòng chảy” mới
Là thành phần kinh tế có tuổi đời 75 năm, KTTT song hành với các thăng trầm của làng xã và nông thôn Việt Nam. Với tiền thân chỉ là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đến thời điểm hiện tại KTTT đã sản sinh ra các HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, thương mại, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường, điện năng. Không chỉ có sự mở rộng về số lượng, lĩnh vực kinh doanh mà phương thức hoạt động và chất lượng của KTTT với nòng cốt là HTX đã và đang được đổi mới từng ngày.
Quỹ tín dụng nhân dân là một tổ chức kinh doanh tiền tệ và làm dịch vụ ngân hàng, do các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập. Quỹ tín dụng hoạt động như một ngân hàng nhưng có mục tiêu, tôn chỉ khác với ngân hàng. Đó là tối đa hóa lợi ích của thành viên thông qua tiền gửi và các khoản vay.
Quỹ tín dụng nhân dân Hùng Lô (thành phố việt Trì) được thành lập từ năm 1998, cùng với các HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng khác, đây là mô hình có tuổi đời rất trẻ nhưng đã khẳng định vị thế trong việc tương trợ tối đa cho các thành viên sản xuất, kinh doanh. Với địa bàn hoạt động trải dài ba xã Hùng Lô, Phượng Lâu và Kim Đức, quỹ tín dụng nhân dân Hùng Lô có phương châm hoạt động tại chỗ, cho vay tại chỗ với lãi suất gửi tiết kiệm phù hợp luôn cao hơn lãi suất áp dụng tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Với những chính sách hợp lý, an toàn và chủ động về nguồn vốn, Quỹ tín dụng đã góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các thành viên tại địa phương, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, hạn chế tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn.
Trải qua 23 năm phát triển, đến nay, Quỹ tín dụng luôn duy trì trên 2.000 thành viên với tổng nguồn vốn hoạt động trong tháng 6/2021 là trên 350 tỉ đồng. Bà Cao Thị Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Hùng Lô cho biết: “Hoạt động trên tôn chỉ vì lợi ích của thành viên, Quỹ tín dụng thấu hiểu mong muốn, nhu cầu của người dân, từ đó tạo điều kiện cho vay đầu tư sản xuất dịch vụ. Đặc biệt, với các hộ gia đình có nhu cầu xuất khẩu lao động đều được tạo điều kiện vay vốn kịp thời”.
Kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, diện mạo KTTT trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo được nhân rộng. Nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của HTX được phát triển theo hướng hàng hóa. Sự sôi động của thành phần KTTT đã giúp cho anh Phạm Xuân Hiếu - Chủ tịch HĐQT HTX Nông thương Đất Tổ chọn mô hình này làm bến đỗ. Anh Hiếu là người con của vùng quê Cát Trù (nay là xã Hùng Việt) huyện Cẩm Khê. Với kinh nghiệm trên 10 năm buôn bán các mặt hàng nông sản, anh đã liên kết bảy hộ gia đình trên địa bàn xã Hùng Việt để thành lập HTX có mặt hàng chủ lực là bánh chưng và giò chả. Bánh chưng Cát Trù, Cẩm Khê đã có thương hiệu từ lâu nhưng chỉ dừng lại ở hình thức buôn bán nhỏ lẻ, manh mún nên không có cơ hội tiếp cận các thị trường ngoài tỉnh.
Thay vì lựa chọn mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, anh Hiếu quyết định thành lập HTX vì nhận thấy mô hình này phù hợp để phát triển ở nông thôn. Tuy vậy, theo anh, liên kết để cùng phát triển mới là yếu tố quyết định để HTX đứng vững trên thị trường. Anh Phạm Xuân Hiếu cho biết: “Hiện nay, HTX Nông thương Đất Tổ đã liên kết với nhiều HTX khác để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Sau gần hai tháng thành lập, HTX đã mang sản phẩm bánh chưng, giò chả Đất Tổ ra tiêu thụ tại sáu tỉnh thành với hơn 100 đại lý bán sản phẩm. Doanh thu và lợi nhuận của các thành viên từ đó được nâng cao”.
Hoàn thiện điểm tựa chính sách
Dự kiến đến hết năm 2021, sẽ có 52 HTX mới được thành lập. Trong tổng số 579 HTX thì có 501 HTX đang hoạt động (chiếm 86,5%), 310 HTX hoạt động hiệu quả, 100 HTX đã chuyển đổi đăng ký lại HTX theo Luật HTX năm 2012. Hết năm 2021 có 307 tổ hợp tác (THT) được thành lập mới, nâng tổng số THT trong toàn tỉnh lên 1.320 tổ (tăng 103,1% so với kế hoạch năm 2021).
Năm vừa qua, KTTT, HTX chịu ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19 nhưng về cơ bản, KTTT vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng cung cấp các dịch vụ cho thành viên. Khu vực KTTT, HTX tiếp tục có sự tăng trưởng và phát triển, đặc biệt các lĩnh vực tín dụng, nông nghiệp, điện năng có sự gia tăng về doanh thu, lợi nhuận so với năm 2020.
Tuy nhiên, hoạt động của KTTT, HTX vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Hệ thống cơ chế, chính sách cho khu vực KTTT chưa thực sự đồng bộ, mức hỗ trợ thấp, thủ tục quy định còn phức tạp, khó áp dụng vào thực tiễn và chưa phù hợp với điều kiện, đặc thù của các tổ chức KTTT. Một số quy định còn chưa được hướng dẫn cụ thể, khó triển khai như: Xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể, quản lý sử dụng tại HTX, thủ tục giải thể bắt buộc với HTX, hướng dẫn định mức và thủ tục hỗ trợ thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp, công tác kiểm toán đối với HTX.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển KTTT, HTX tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025. Trong đó, hoạch định mục tiêu cụ thể để phát triển KTTT trong bốn năm tới; xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích sự phát triển cũng như củng cố bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KTTT, HTX. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, Sở tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về vai trò của KTTT, HTX trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về đầu tư hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, cho vay vốn... đồng thời bổ sung cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Với sự chung tay góp sức của các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp, khu vực KTTT sẽ ngày càng đổi mới, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thùy Trang (Nguồn: baophutho.vn)