“Trái ngọt” từ xây dựng nông thôn mới

Diện mạo nông thôn ở Thanh Thủy ngày càng khởi sắc.

“Trái ngọt” sau giọt mồ hôi

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Thủy gặp nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở vật chất, hạ tầng. Hầu hết các xã chưa có quy hoạch chung nông thôn mới, quy hoạch chi tiết hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, vùng sản xuất hàng hoá. Tỉ lệ đường giao thông được cứng hóa và bê tông hóa còn ít. Đặc biệt thu nhập của người dân còn thấp (đạt 12,2 triệu đồng/người/năm); tỉ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 10,52%); số lao động chưa có việc làm và chưa qua đào tạo còn nhiều…

Với quyết tâm bứt phá vươn lên, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “đem sức dân xây dựng tương lai hạnh phúc cho dân”. Sau gần 10 năm triển khai xây dựng NTM, năm 2020, huyện Thanh Thủy đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn mới thay đổi căn bản, toàn diện, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung đã được xây dựng, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Đồng chí Dương Quốc Lâm- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết: Trên cơ sở phân tích, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, huyện đã chủ động xây dựng các giải pháp cụ thể, quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của huyện là tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các thế mạnh về du lịch, dịch vụ. Tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, phát triển các sản phẩm thế mạnh của huyện theo hướng đặc sản. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư tiếp tục xây dựng và nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn thôn mới.

Thị xã Phú Thọ hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cuối năm 2020, cán đích NTM trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đề ra. Không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ xây dựng NTM, thị xã đặc biệt quan tâm xây dựng NTM gắn với phát triển các sản phẩm kinh tế chủ lực. 

Tiêu biểu như mô hình ở Làng nghề bánh bún và dịch vụ Hà Thạch. Khi mới thành lập làng nghề chỉ có hơn 10 thành viên tham gia, kinh tế các thành viên đều rất khó khăn. Nhận thấy nghề truyền thống có thể phục vụ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các dịp lễ tết nhu cầu sử dụng bún, bánh tăng cao nên ông Trần Huy Đức - Trưởng Làng nghề đã tích cực tuyên truyền vận động bà con nhân dân cùng phát triển nghề, mở rộng sản xuất và đa dạng hàng hóa sản phẩm. Đến nay, làng nghề có gần 100 hộ thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, tổng doanh thu của làng nghề đạt hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Từ phong trào xây dựng NTM, diện mạo những vùng nông thôn của tỉnh đã dần thay da đổi thịt. Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các địa phương chú trọng phát triển các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất các cây con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất” với việc xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Qua đó đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh hết năm 2020 đạt gần 35 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 20,3% năm 2010 xuống còn 4,34% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). 

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 Phú Thọ phấn đấu có 6/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí để từng bước xây dựng huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đưa huyện Phù Ninh và huyện Thanh Ba đạt chuẩn vào năm 2023. Toàn tỉnh có 139/196 xã đạt chuẩn NTM; 28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1.736/2.040 khu dân cư đạt chuẩn NTM.

Đảm bảo phát triển bền vững

 Lâm Thao cán đích NTM vào năm 2015 và trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Nhằm giữ vững danh hiệu huyện NTM và nâng cao các tiêu chí, huyện đã xác định cụ thể mục tiêu, lộ trình triển khai các tiêu chí phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của huyện. Trong đó, tập trung triển khai đầu tư cho các mô hình chủ lực phù hợp với điều kiện địa phương mang lại hiệu quả cao, có tính nhân rộng, đồng thời gắn với chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, huyện có vùng sản xuất lúa chất lượng cao rộng 2.000ha, vùng sản xuất các loại rau, củ, quả hơn 300ha, vùng sản xuất rau an toàn 40ha, mô hình trồng chuối ven đê, cây ăn quả có múi trên đồi, kinh tế trang trại… Một số sản phẩm nông nghiệp bước đầu xây dựng được thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ như rau an toàn xã Tứ Xã, tương Dục Mỹ - Cao Xá, thịt lợn sạch Sơn Vi, chuối tiêu hồng Bản Nguyên...

Mục tiêu đến năm 2025 của thị xã Phú Thọ sẽ có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đồng chí Nguyễn Tiến Lâm - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho biết: Thị xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, tập trung đầu tư vào hạ tầng đô thị, thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp và hạ tầng dịch vụ. Tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm nâng cấp thị xã thành thành phố. Tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng NTM.

Không chỉ riêng thị xã Phú Thọ, hiện nay các đơn vị, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành, giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM. Trong đó chú trọng đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản. Chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản thế mạnh của tỉnh theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để xây dựng NTM thực sự hiệu quả, ngoài phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các ngành, địa phương cần vận dụng sáng tạo và ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy được lợi thế của địa phương, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, coi người dân là chủ thể để phát huy sức mạnh nội lực trong dân. Từ đó, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng theo phương châm “không chạy theo thành tích”. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành các trung tâm phát triển văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch nông thôn. Có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển toàn diện về mọi mặt kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. 

Hoàng Quý (Nguồn: baophutho.vn)





Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website