Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu 7 nội dung cần làm rõ khi phát triển du lịch nông thôn. Ảnh: Bảo Thắng.
Thực hiện Công văn số 10054/VPCP-NN ngày 01/12/2020, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát thực trạng phát triển trang trại du lịch, du lịch nông thôn tại một số địa phương. Kết hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố, Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng, và cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo "Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025".
Phát biểu khai mạc hội thảo ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, gắn phát triển du lịch với xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2025. Để có thể xây dựng đề án sâu rộng, sát với thực tiễn, và phát huy hiệu quả tối cao, Thứ trưởng muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương nơi có cơ sở du lịch nông thôn.
"Chúng tôi cần những ý kiến xác đáng để hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng, đồng thời có cơ sở triển khai đề án xây dựng NTM gắn liền phát triển du lịch cộng đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có 7 nội dung cần làm rõ khi gắn phát triển du lịch với xây dựng NTM. Một, là cơ chế, chính sách gần như chưa có. Bộ NN-PTNT, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước mắt cần xây dựng đề án, chủ trương, trước khi trình Chính phủ. Hai là quy hoạch về du lịch nông thôn. Hiện tại các địa phương chủ yếu là phát triển một cách tự phát. Ba là quản lý du lịch nông thôn. Thứ trưởng Nam thông tin, rằng thời gian qua có một số hiện tượng không hay như lợi dụng du lịch nông thôn để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, rất cần biện pháp để vừa phát triển vừa đảm bảo khâu quản lý.
Bốn là phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. Hiện Bộ NN-PTNT đã phát triển chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhưng vẫn cần nghiên cứu bổ sung thêm một số sản phẩm nữa. Chẳng hạn, kiến trúc, cảnh quan, hoặc những văn hóa phi vật thể như múa, hát. Năm, là phát triển thị trường khách du lịch theo hướng đa dạng, tạo môi trường thông thoáng cho các công ty lữ hành như để hình thành các tour du lịch, chuỗi giá trị.
Sáu là phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn. Hiện trên cả nước, các dịch vụ du lịch loại này chủ yếu là hình thức tự cung cấp từ các gia đình, dẫn đến tình trạng chưa phát triển bài bản. Cuối cùng, là huy động nguồn lực để phát triển du lịch nông thôn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam coi hai nội dung cuối cần "đặc biệt chú trọng". Ông đề nghị các Bộ, ban, ngành cần vào cuộc quyết liệt. Ví dụ, Bộ Văn hóa -, Thể thao và Du lịch soạn thảo bộ tài liệu, hướng dẫn cơ sở phát triển nguồn lực, hoặc tập huấn cho chính các chủ homestay, mô hình trang trại nông nghiệp, nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng.
"Trong 19 tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta có lẽ phải gắn thêm tiêu chí phát triển du lịch cộng đồng", Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương nêu nhiều lợi ích khi phát triển du lịch nông thôn. Ảnh: Bảo Thắng.
Trên tinh thần của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, các tỉnh, thành phố đã thảo luận sôi nổi về dự án gắn phát triển du lịch với xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Công Sứ, cho rằng, phát triển du lịch nhưng cần chú trọng tới sản xuất bởi đây là nền tảng của chuỗi cung ứng nông sản. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Hồ Quang Bửu nêu khó khăn về hệ thống đường giao kết nối làng, bản, điểm du lịch cộng đồng chưa đồng bộ; hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời đại công nghệ 4.0.
Dựa trên đánh giá trên toàn cầu của Tổ chức Du lịch Thế giới, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm 10% và doanh thu khoảng 30 tỉ USD. Tỷ lệ tăng hàng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm. Du lịch nông thôn khá đa dạng, nhưng tại Việt Nam, các loại hình chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Tính đến nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), thay mặt ban soạn thảo đề án, nêu 7 mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Đó là: (1) Hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn. (2) Phát triển hệ thống điểm du lịch nông thôn, tăng 10% số làng văn hóa du lịch, làng du lịch cộng đồng được công nhận đạt chuẩn. (3) Ít nhất 200 dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, ít nhất 10% sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. (4) Ít nhất 20% xã NTM triển khai đề án phát triển du lịch nông thôn đạt tăng trưởng 5% năm về lượng khách du lịch. (5) 30% làng nghề truyền thống tham gia và chương trình. (6) Xây dựng thí điểm các mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với di sản văn hóa, làng nghề. (7) Xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, quản lý, vận hành các mô hình.
Một số giải pháp được Viện trưởng Trần Công Thắng đề ra, là xây dựng hệ thống thông tin, áp dụng khoa học công nghệ vào du lịch nông thôn; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất du lịch; quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch nông thôn.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cam kết hoàn thành đề án từ giờ đến cuối năm 2021. Ông cũng đề nghị Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giới hạn phạm vi của đề án, sao cho có thể đánh giá được hiệu quả, tính khả thi. Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói sẽ lấy ý kiến thêm của Bộ Xây dựng, trong việc lồng ghép một số tiêu chí của đề án ngay từ lúc định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đánh giá, du lịch nông thôn giúp nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Bên cạnh việc tạo ra việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, loại hình du lịch này còn giúp người dân có ý thức cao hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo lối sống văn minh, lành mạnh và mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng được tốt hơn.
Bảo Thắng - Đức Minh (Nguồn: nongnghiep.vn)