Tiêu chí môi trường là một trong các tiêu chí quan trọng để đạt được tiêu chuẩn nông thôn mới (NTM). Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, cả nước có gần 5.500 xã đạt tiêu chí môi trường.
Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện và giữ được kết quả thực hiện đối với tiêu chí này gặp rất nhiều khó khăn, cần có các giải pháp đồng bộ.
Tiêu chí của nhận thức
Theo phản ánh của các địa phương, trong tiêu chí môi trường có một số chỉ tiêu không được định tính, định lượng rõ ràng mà chủ yếu về cảm quan nên thực tế triển khai và công tác đánh giá tại các địa phương không đồng đều, thiếu bền vững ngay cả đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Điển hình như chỉ tiêu yêu cầu về xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn. Mặc dù các địa phương đã tích cực triển khai đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn nhưng kết quả nhiều nơi đạt được chỉ mang tính chất thời điểm.
Để hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường (BVMT) trong xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017 - 2020.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và bền vững tiêu chí môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Bộ NNPTNT cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020… Đến nay, đã có gần 5.500 xã đạt tiêu chí môi trường, tăng 3,9% so với cuối năm 2018.
Một đoạn đường xanh - sạch - đẹp tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Minh
Muốn giữ vững tiêu chí môi trường cần hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn; đặc biệt chú trọng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác BVMT nông thôn; huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư; ứng dụng khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường vẫn còn những thách thức cần tiếp tục giải quyết. Việc thực hiện và giữ được kết quả thực hiện đối với tiêu chí này gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù so với nhiều tiêu chí khác, việc thực hiện tiêu chí môi trường đôi khi không đòi hỏi phải đầu tư lớn, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân.
Có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc
Bài học từ nhiều địa phương cho thấy, nếu chỉ cần dừng lại (sau thời điểm công nhận) mà không tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, các kết quả đạt được sẽ tụt hậu rất nhanh. Bên cạnh đó, ngay tại thời điểm công nhận, thực chất nhiều nội dung trong yêu cầu của tiêu chí môi trường mới dừng lại ở mức "đạt", thậm chí mới chỉ là các "phương án" thực hiện (như phương án đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về BVMT cho các làng nghề, phương án thu gom và xử lý chất thải, phương án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung, phương án cải tạo ao hồ...).
Đồng quan điểm này, các chuyên gia về môi trường cho rằng, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, "có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc". Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, phải củng cố kết quả thực hiện tiêu chí môi trường giai đoạn này, tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu về lĩnh vực môi trường để định hướng cho các huyện, xã đã được công nhận tiếp tục thực hiện xây dựng NTM thường xuyên và bền vững.
Các địa phương phải đưa ra các giải pháp quyết liệt trong việc triển khai thực hiện mới hoàn thành và giữ vững tiêu chí môi trường. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là trao quyền và trách nhiệm cho người dân, trong bối cảnh chung của công cuộc xây dựng NTM, công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác BVMT ở nông thôn.
Phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, công sở, trường học xanh - sạch - đẹp. Phát huy tối đa vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn, vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh... Đây là những công việc cần được hết sức quan tâm, đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, nhất thiết cần có sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền; xác định và phân định trách nhiệm cho từng tổ chức, đoàn thể.
Mai Dung (Nguồn: danviet.vn)