Chương trình OCOP phải 'gắn sao' trong lòng người tiêu dùng

Chuỗi tập huấn Chương trình OCOP năm 2021 sẽ cung cấp các kiến thức, kĩ năng cơ bản để các chủ thể, các bên liên quan tham dự vào Chương trình OCOP.

Hơn 3.000 lượt đăng ký chuỗi tập huấn

Ngày 28/9, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 khai mạc chuỗi tập huấn và bắt đầu những chuyên đề tập huấn đầu tiên. Chương trình do Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phối hợp cùng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và Tổ chức Đại học Pháp Ngữ (AUF) triển khai. Đây là chuỗi tập huấn cung cấp các kiến thức, kĩ năng cơ bản để các chủ thể, các bên liên quan tham dự vào Chương trình OCOP.

TS. Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KH-XH&NV (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trong thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sản phẩm OCOP đã cung ứng rất tốt cho thị trường. Sự tăng trưởng về doanh thu và giá bán là minh chứng về tiềm năng, hiệu quả của Chương trình OCOP.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KH-XH&NV thông tin thêm, qua thời gian triển khai đăng ký, chương trình đã nhận được hơn 3.000 lượt đăng ký đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, HTX, chủ thể tiềm năng tham gia vào chương trình OCOP hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực OCOP.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sản phẩm OCOP đã cung ứng rất tốt cho thị trường.

“Chúng tôi mong rằng thông qua 11 chuyên đề ở 8 buổi tập huấn, chuỗi tập huấn sẽ cung cấp những định hướng cơ bản về Chương trình, tăng cường tính gắn kết giữa các chủ thể cũng như lan tỏa những kinh nghiệm mà Trung tâm và Nhà trường đã đạt được trong thời gian qua”, ông Định bày tỏ.

"Chương trình chuỗi tập huấn cho thấy những nỗ lực to lớn trong việc đóng góp trí tuệ, nâng cao chất lượng, lợi ích và phát triển kinh tế xã hội của các trường đại học. Đồng thời chương trình sẽ cải thiện, nâng cao chất lượng giảng dạy của các thầy cô thông qua việc gắn kết với những chương trình mục tiêu quốc gia, đem lại giá trị cộng đồng", ông Nguyễn Tấn Đại, đại diện Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).

Phấn đấu đạt sao trong lòng người tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, câu chuyện về những sản phẩm OCOP bắt nguồn từ sự gắn kết giữa giá trị hữu hình của sản phẩm và giá trị vô hình của những kĩ năng, năng lực, xúc tiến thương mại, áp dụng khoa học công nghệ của người nông dân.

Từ những sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, chủ thể OCOP sẽ phát triển thành sản phẩm đa tích hợp các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó tạo dựng nên niềm tự hào của những vùng quê Việt Nam.

“Chương trình OCOP sẽ khơi dậy những chủ thể, chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời phát huy sự gắn kết của chủ thể với cộng đồng”, ông Nguyễn Minh Tiến nhận định.

Chương trình OCOP sẽ phát huy sự gắn kết của chủ thể với cộng đồng.

Chia sẻ tại chương trình, bên cạnh những kết quả đạt được, Cục trưởng Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã chỉ ra 4 khó khăn, thách thức mà Chương trình OCOP đã gặp phải trong thời gian qua.

Thứ nhất, các địa phương mới chỉ tập trung vào những sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng phát triển sản phẩm mới.

Thứ hai, vấn đề về chất lượng sản phẩm, những quy trình tiên tiến, sở hữu trí tuệ còn nhiều tồn tại. Đến khi ra mắt thị trường, sản phẩm cũng như các chủ thể sẽ gặp vướng mắc về mặt pháp lý.

Thứ ba, thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ rất được mong đợi nhưng các sản phẩm OCOP vẫn còn hạn chế về tiêu chuẩn.

Thứ tư là công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

“3 năm qua công tác hỗ trợ Chương trình OCOP đã bỏ quên khâu xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử còn rất hạn chế. Trong khi đó nhu cầu về giao dịch trực tuyến càng ngày trở thành nhu cầu tất yếu và xu thế của xã hội”, ông Nguyễn Minh Tiến nhận định.

Từ đó, ông Tiến cũng đưa ra những định hướng mà Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 cần chú trọng trong thời gian tới.

Một là hỗ trợ cơ chế chính sách theo chuỗi khép kín, từ đầu vào vùng nguyên liệu đến đầu ra xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu.

Hai là hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm mới. Theo ông Tiến, thời gian qua, cả nước có gần 5.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên nhưng trong đó 80% là sản phẩm cũ. Tới đây Chương trình OCOP cần phát triển 30-35% sản phẩm mới tại mỗi tỉnh.

Ba là hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm từ những yếu tố như truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ dẫn địa lý…

Bốn là công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến thương mại điện tử, chuyển đổi số cần được hỗ trợ đặc biệt để mỗi người nông dân là 1 chủ thể số.

Thời gian qua, công tác hỗ trợ Chương trình OCOP đã bỏ quên khâu xúc tiến thương mại.

“Chúng ta phải hỗ trợ để những sản phẩm không chỉ được công nhận sao OCOP mà còn được công nhận sao trong lòng người tiêu dùng. Đó là tiêu chí mà Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 cần hướng đến. Tôi cũng rất mong các chủ thể hiểu rõ hơn sự gắn kết cộng đồng mà Chương trình OCOP mang lại. Đại dịch Covid-19 đã minh chứng cho việc nếu muốn tiến xa chúng ta không thể đi 1 mình mà cả cộng đồng đều phải chung sứ”, ông Nguyễn Minh Tiến bày tỏ.

Trong phiên tập huấn chuyên đề đầu tiên với chủ đề “Chương trình OCOP: Những điều cần biết khi tham gia chương trình”, TS Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong đã cung cấp những thông tin hữu ích đến độc giả tham gia tập huấn.

Đó là kinh nghiệm đến từ những mô hình “Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm” trên thế giới và nguyên tắc để thực hiện. Ngoài ra độc giả còn được cung cấp thông tin về sản phẩm OCOP và quy trình đánh giá sản phẩm OCOP.

Tại chuyên đề 2 “Hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương”, TS Đào Đức Huấn, Phòng Quản lý Chương trình OCOP (Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương) đã trình bày những tiềm năng, lợi thế của sản phẩm OCOP. Đồng thời chia sẻ những phương pháp, kinh nghiệm để có thể phát triển sản phẩm OCOP.

                                                                                             Phạm Hiếu (Nguồn: nongnghiep.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website