Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong những mục tiêu quan trọng của thị xã Phú Thọ trong những năm gần đây. Thời gian qua, thị xã đã tập trung huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hạ tầng đồng bộ, góp phần làm diện mạo của thị xã ngày càng văn minh, hiện đại.
Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, thị xã đã tập trung thu hút nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Thị xã đã chủ động tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả huy động các nguồn lực tại chỗ thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án được đầu tư trên địa bàn; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, xử lý vướng mắc để các dự án sớm được triển khai, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Từ cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị cũng như vùng nông thôn và đời sống của người dân thị xã đang đổi thay từng ngày. Chỉ tính trong 5 năm (2015-2020) tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2011-2015: Năm 2020 thị xã phú Thọ được công nhận hoàn thành XDNTM.
Cũng như các địa phương khác, trước đây, hạ tầng giao thông của thị xã còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, đến nay, địa phương đã có nhiều đổi thay trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển. Đến nay toàn thị có 95% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa. Các tuyến đường liên huyện, nội thị được quan tâm đầu tư tạo kết nối giao thương: Đường Hùng Vương (kết nối trung tâm thị xã với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Quốc lộ 2), đường L6 (Hà Thạch - Tiên Kiên), đường đê tả Thao nối với đường Hùng Vương, Tỉnh lộ 320 đoạn qua thị xã, tới đây tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh đi tỉnh lộ 325B (đường đi Đông Thành, huyện Thanh Ba); cầu vượt đường sắt nối từ quốc lộ 2D với đường Hùng Vương... Sẽ được đầu tư tạo điều kiện cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ mang lại diện mạo mới cho thị xã sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.
Ngoài ra, hệ thống trường, lớp học cũng được thị xã đẩy mạnh đầu tư, chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đến hết năm học 2020-2021, 100% trường học của thị xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có bốn trường đạt chuẩn mức độ II. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn giữ vững trong tốp đầu toàn tỉnh (đứng trong tốp 3/13 huyện, thành, thị). Bên cạnh đó, được sự quan tâm hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách về nhà ở cũng như các nguồn của các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự đóng góp nhân lực, vật lực của người dân trong nhiều năm qua, nhà tạm, nhà dột nát đã từng bước được xóa bỏ, nâng tỉ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố. Năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo của thị xã giảm xuống còn 1,2%, tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt 99,8%. Các thiết chế văn hóa, các công trình phục vụ hoạt động công cộng trên địa bàn cũng được quan tâm cải tạo, nâng cấp góp phần nâng cao hơn đời sống tinh thần của nhân dân.
Giải phóng mặt bằng Khu tái định cư phục vụ Dự án Khu Công nghiệp Phú Hà, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ.
Đồng chí Hoàng Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND thị xã trao đổi: “Những đột phá về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang tạo đà cho kinh tế - xã hội của thị xã phát triển là tiền đề quan trọng để thị xã Phú Thọ vững bước hoàn thành các mục tiêu cao hơn trong giai đoạn 2020-2025 đó là: “Xây dựng thị xã đạt các tiêu chí của đô thị loại hai. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa ở các xã; phấn đấu xây dựng hai xã Thanh Minh và Văn Lung đạt các tiêu chí thành lập phường; hai xã: Hà Lộc và Phú Hộ cơ bản đạt tiêu chí của phường; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.
Thời gian tới, thị xã tiếp tục đôn đốc, giám sát các nhà thầu để bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển; chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, để triển khai xây dựng theo đúng kế hoạch.
Ánh Dương (Nguồn: baophutho.vn)