(Ảnh minh họa)
Để chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các văn bản nêu trên; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến công tác đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Sở Nông nghiệp và PTNT sử dụng vắc-xin Cúm gia cầm từ nguồn dự trữ của tỉnh để triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh như đề nghị tại Công văn số 1811/SNNCNTY ngày 20 tháng 10 năm 2021. Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2021, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức chủ động giám sát các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động tiêm vắc-xin phòng dịch, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.
Bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đề xuất tổ chức triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật và kinh phí năm 2022, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Duy trì, dự trữ đủ lượng hóa chất, vắc-xin cần thiết để kịp thời khống chế khi có dịch bệnh phát sinh. Chỉ đạo khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền sâu, rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình, nguy cơ phát sinh, các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi; các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhằm nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi ở các địa phương; đồng thời, bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh; kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc chia sẻ thông tin, thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm 3 nguy hiểm lây truyền giữa người và động vật, nhất là việc điều tra, giám sát bệnh Dại động vật.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành thị tham mưu, đề xuất bố trí nguồn kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh buôn bán vật tư thiết yếu phục vụ chăn nuôi (vắc xin, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…) trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về diễn biến dịch bệnh trên đàn vật nuôi; phổ biến các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành của người dân; tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đảm bảo sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, bảo vệ an toàn cho sản xuất.
UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí kinh phí triển khai có hiệu quả công tác tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2021, kết thúc trước 30 tháng 11 năm 2021. Đối với các địa phương có mẫu dương tính, các ổ dịch cũ, các xã có nguy cơ cao với bệnh Cúm gia cầm, cân đối bố trí kinh phí và chỉ đạo tiêm phòng vắc-xin theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Chỉ đạo rà soát, lập danh sách các hộ chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn để giám sát chặt chẽ dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người chăn nuôi. Rà soát, bổ sung kế hoạch phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh tái đàn theo tín hiệu thị trường, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dại... Khi có dịch bệnh động vật xảy ra, thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi mới phát sinh; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi làm tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn theo kế hoạch. Chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật (như: giấu dịch, bán chạy, vứt xác vật nuôi bị bệnh ra môi trường, giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh làm lây lan dịch…).
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, qua nhiều kênh thông tin (nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở) để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chú trọng khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi, vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn quản lý.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp: Tăng cường tuyên truyền vận động các đoàn viên, hội viên, cộng đồng dân cư thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn; phòng, chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi; giám sát, phát hiện và tố giác các trường hợp giấu dịch, bán chạy, vứt xác động vật chết ra môi trường; buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ốm, chết, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Huy Lê (Nguồn: baophutho.vn)