Vĩnh Phúc: Đã có nhiều đổi thay

Con đường vào xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường -1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao được trải áp- phan rộng rãi khang trang chẳng thua kém phố thị. Những “phố trong làng” mang dáng dấp đô thị hiện đại nhưng vẫn lưu giữ nét bình yên của làng quê truyền thống; những bức tường bích họa góp phần tô điểm thêm nét độc đáo, mới lạ về diện mạo NTM nâng cao.

Phấn khởi xen lẫn tự hào về bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Toại, Chủ tịch UBND xã Tam Phúc cho biết: Là xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng và giao thông chưa đồng bộ, giờ đây, Tam Phúc đã đổi mới, nhất là từ năm 2011, khi tỉnh triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM cùng với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và huy động nguồn lực trong dân đã tạo đòn bẩy giúp địa phương phát triển mạnh mẽ.

100% công trình giao thông xã Tam Phúc (Vĩnh Tường) được xây dựng theo chuẩn nông thôn mới nâng cao

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trên cơ sở công khai, minh bạch để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa sự đóng góp của nhân dân theo cơ chế “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; khuyến khích, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả... đã tạo khí thế thi đua lao động sản xuất rộng khắp ở địa phương.

Năm 2013, Tam Phúc là xã đầu tiên của tỉnh về đích NTM và là 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Đến nay, địa phương đã hình thành nhiều mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả như: Mô hình 1 lúa, 1 cá; nuôi cá thâm canh, nuôi cá giống cho thu nhập bình quân từ 300- 800 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, thu hút được trên 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, năm 2020, thu nhập bình quân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm (tăng 23,2 triệu đồng so với năm 2013) nằm trong top đầu của huyện; toàn xã không còn hộ nghèo. UBND xã đã thành lập các CLB thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ ở các thôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc những ngày này, không khí thi đua đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, phấn đấu về đích NTM nâng cao diễn ra sôi nổi. Từ một xã thuần nông, Nguyệt Đức giờ đây đã “thay da đổi thịt” với vóc dáng của một đô thị năng động, tràn đầy sức sống.

Các công trình hạ tầng: Đường, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã, hệ thống điện chiếu sáng... được đầu tư xây mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Bí thư chi bộ thôn Nghinh Tiên 1 Nguyễn Thị Hằng cho biết: Từ khi xây dựng NTM, nhất là NTM nâng cao, không chỉ đời sống người dân trong thôn được cải thiện mà ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân trong thôn được nâng lên rõ rệt.

Mỗi gia đình tự giác vệ sinh nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; tự nguyện đóng góp ngày công, tiền của để sơn tường, vẽ tranh bức họa, trồng cây xanh dọc 2 bên đường, làm hệ thống điện chiếu sáng… tạo nên bức tranh quê hương đáng sống.

Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức - Ông Tạ Hồng Thắng cho biết: Hướng tới mục tiêu xây dựng vùng quê đáng sống, ngay sau khi đạt chuẩn NTM năm 2013, xã chủ động xây dựng nhiều giải pháp linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chú trọng huy động nguồn lực đầu tư gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Từ năm 2019 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, địa phương và huy động nguồn lực trong dân, nhiều công trình tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển đô thị, đời sống của người dân địa phương được triển khai xây dựng như: Nhà văn hóa làng Xuân Đài, nhà ăn bán trú và nhà rèn luyện thể chất trường tiểu học, trạm y tế xã; cải tạo, nâng cấp đường giao thông; đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đến 100% tuyến đường thôn xóm.

Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các đợt ra quân vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định, sơn sửa tường rào, trồng các tuyến đường hoa, đường cây bóng mát tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Hết tháng 6/2021, toàn xã trồng mới 6.000 m đường cây chuỗi ngọc, cây bóng mát và cây hoa các loại; vẽ mới 600 m2 tranh tường; chỉnh trang, sơn sửa gần 13.000 m tường rào; xóa 3 điểm đen về ô nhiễm môi trường; thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường vào sáng thứ 7 hàng tuần và mùng 5 hàng tháng…; qua đó đã kiến tạo không gian nông thôn đáng sống.

Hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tỉnh luôn thực hiện nhất quán phương châm “Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng NTM”, “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; phát động rộng khắp phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…

Qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đưa Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước về xây dựng và phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM xong trong năm 2011 và là 1 trong 10 tỉnh hoàn thành xây dựng NTM ở 100% các xã.

Bộ mặt nông thôn ở các địa phương đã có nhiều đổi mới, tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Phúc. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 50 triệu đồng/người.
                                                                           
Bài, ảnh: Mai Liên (Nguồn: langngheviet.com.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website