Thành phố Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Ảnh: Đào Thanh.
5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Đến nay, thành phố Tuyên Quang có 5/5 xã, gồm: Xã Kim Phú, Thái Long, Tràng Đà, An Khang, Lưỡng Vượng đạt chuẩn NTM. Đạt được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền thành phố Tuyên Quang luôn xác định người dân là chủ thể, làm NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong các chương trình, chính quyền thành phố luôn nêu cao tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong quá trình thực hiện các tiêu chí.
Trong 10 năm xây dựng NTM, thành phố đã huy động được hơn 570,9 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thành phố, doanh nghiệp ủng hộ và huy động nhân dân đóng góp. Đã có 63 hộ hiến đất để xây dựng NTM, diện tích 3.145 m2. Nổi bật nhất là xã Thái Long với 59 hộ, diện tích 1.620m2; xã Kim Phú 4 hộ, diện tích 1.525m2.
Nhà văn hóa thôn Hòa Mục 1, xã Thái Long có tổng diện tích gần 1.000m2, trong đó diện tích nhà gần 150 m2, có sức chứa 150 chỗ ngồi, có sân rộng có thể phục vụ cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc hội họp, đám cưới… Để hoàn thiện nhà văn hóa và khuôn viên, ngoài đóng góp tiền, ngày công xây dựng, trong thôn có 4 hộ gia đình hiến hơn 100m2 đất.
Ông Nguyễn Xuân Ấm, người dân thôn Hòa Mục 1, xã Thái Long cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, mọi khoản thu, chi được công khai minh bạch nên nhân dân đồng thuận hưởng ứng làm nhà văn hóa. Mỗi khẩu đóng góp trung bình là 1,4 triệu đồng nên sau hơn 1 tháng vận động thôn đã huy động được 150 triệu đồng. Sau 3 tháng xây dựng, đầu năm 2018, nhà văn hóa thôn được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thành phố Tuyên Quang tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình kiên cố hoá kênh mương, bê tông hoá đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hoá, xây dựng nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên. Các xã đã xây dựng và triển khai 38 đề án, dự án phát triển sản xuất, dịch vụ hàng hóa. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kiên cố hóa 35.968m/34.588m kênh mương; bê tông hoá 7.356/7.356m đường giao thông nội đồng; xây dựng 45/37 nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố.
Sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tuyên Quang khiến bộ mặt kinh tế - xã hội nơi đây không ngừng đổi thay. Ảnh: Đào Thanh.
Trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, thành phố Tuyên Quang tập trung thực hiện công tác quy hoạch hoàn thành điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập thị trấn Tân Bình, xã Phú Lâm, xã Kim Phú của huyện Yên Sơn để mở rộng thành phố và thành lập 3 phường: An Tường, Đội Cấn, Mỹ Lâm. Thành phố cũng huy động các nguồn lực, cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II; kịp thời rà soát, bổ sung quy hoạch, phân bổ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hợp lý; các tuyến đường thường xuyên được bảo trì, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới.
Đạt chuẩn NTM, nhiều làng quê trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã khang trang hơn, nhưng vẫn dáng vẻ hồn cốt của làng quê. Bởi thế có những làng trở thành điểm du lịch trải nghiệm lý thú.
Ông Tô Hoàng Linh, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang cho biết, những kết quả đạt được trong xây dựng NTM chính là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn thành phố trong hơn 10 năm qua.
Trong thời gian tới thành phố Tuyên Quang tiếp tục tiến hành rà soát nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tiếp tục khẳng định là điểm sáng trong xây dựng NTM trong tỉnh, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người dân để các tầng lớp nhân dân vừa là chủ thể xây dựng, vừa là chủ thể thụ hưởng những thành quả xây dựng.
Những đặc sản OCOP
Đến nay, trên địa bàn 5 xã của thành phố Tuyên Quang đã có 23 HTX đang hoạt động. Các HTX đã góp phần xây dựng 173 mô hình cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao; đăng ký hoàn thành 7 nhãn hiệu hàng hóa, đang xây dựng 3 nhãn hiệu hàng hóa. Nổi bật như việc phát triển chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi Thái Long, chuỗi sản xuất mật ong An Khang, chuỗi sản xuất hồng mọng xã Tràng Đà, chuỗi sản xuất sản phẩm ổi, gạo Kim Phú...
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt, đạt sao OCOP của thành phố Tuyên Quang khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Đào Thanh.
Toàn thành phố Tuyên Quang hiện nay đã có 8 sản phẩm được công nhận đạt 3, 4 sao OCOP. Đây cũng là các sản phẩm chủ lực của thành phố, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, thành phố Tuyên Quang chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao.
Đến nay, thành phố đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 60,6 ha, 367ha cây ăn quả, 31,4ha hoa, cây cảnh 31,4 ha và gần 400ha lúa chất lượng cao. Các xã, phường thực hiện sản xuất nông lâm nghiệp, theo đúng lịch thời vụ, chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật. Ban hành, triển khai kế hoạch xây dựng sản phẩm chủ lực của thành phố đồng thời tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX nuôi ong Phong Thổ, thành phố Tuyên Quang cho biết, hiện nay HTX có các sản phẩm đạt 3 và 4 sao OCOP. Từ khi đạt sao OCOP, uy tín và thương hiệu của sản phẩm mật ong của HTX cũng được nâng lên. Hiện nay, HTX mật ong Phong Thổ có hơn 13.000 đàn ong, với sản lượng xuất 1.300 tấn mật mỗi năm.
Tại xã Kim Phú đã xây dựng thành công mô hình trồng cây ăn quả sản xuất tập trung theo hướng VietGAP với quy mô 71,5 ha; sản lượng hàng năm thu hoạch khoảng 248,6 tấn; doanh thu khoảng 3.714 triệu đồng/năm.
Những mô hình giống cây trồng mới cũng được người nông dân ở thành phố Tuyên Quang đưa vào trồng thử nghiệm đem lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Đào Thanh.
Gia đình ông Nguyễn Duy Lý, thôn 20, xã Kim Phú có 2ha ổi, bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đây, diện tích này ông trồng các loại quất, hồng, nhãn nhưng không hiệu quả. Sau khi nghiên cứu, học hỏi ông đã chuyển sang trồng bưởi diễn và ổi.
Ông Lý cho biết, do chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình lân cận cộng thực hiện đúng theo quy trình làm nông nghiệp tốt nên vườn ổi, bưởi của gia đình đều cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Lý thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Sự đổi mới đồng bộ hạ tầng và phát triển đa dạng các mô hình kinh tế đã giúp thành phố Tuyên Quang thực hiện thành công công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Trong đó, thành phố đã thực hiện xóa được 554 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% xuống còn 0,66% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã thực hiện việc hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở đối với 315 gia đình người có công với tổng số tiền là 7,8 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 158 hộ nghèo, số tiền hơn 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 1.480 lượt hộ nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 4991 người nghèo...
Với những nỗ lực và sự đoàn kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của thành phố quê hương cách mạng Tuyên Quang, ngày 5/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1666/QĐ-TTg công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.
Thành phố Tuyên Quang là đô thị loại II, nằm ở trung tâm của tỉnh Tuyên Quang với diện tích đất tự nhiên là 18.438,38 ha, dân số hơn 191.118 người. Thành phố Tuyên Quang có 15 đơn vị hành chính, bao gồm 10 phường: Phan Thiết, Tân Quang, Minh Xuân, Ỷ La, Tân Hà, Hưng Thành, Nông Tiến, Đội Cấn, An Tường, Mỹ Lâm và 5 xã: An Khang, Lưỡng Vượng, Thái Long, Tràng Đà, Kim Phú. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 100%.
Đào Thanh (Nguồn: nongnghiep.vn)