Phú Thọ là vùng đất có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc Mường, Dao.., cùng tập tục, lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, hiện mô hình này đang ngày càng phát triển và có nhiều đổi mới, tạo được sức hút với đông đảo khách du lịch, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Anh Luận lưu lại những khoảnh khắc đẹp cho du khách tại đồi chè Long Cốc.
Đến với đồi chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn – một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam với hàng trăm quả đồi bát úp nối nhau trải dài được ví như “chốn bồng lai trên đất trung du”, là điểm đến lý tưởng cho giới nhiếp ảnh và những người đam mê “xê dịch” săn mây, đón bình minh trên đồi chè. Khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm là tiền đề mở ra hướng đi trong phát triển kinh tế cho người dân bản địa. Nếu như trước đây, người dân mới chỉ bắt đầu kinh doanh dịch vụ với những bữa ăn đơn giản chưa mang đậm đặc trưng ẩm thực vùng miền, dịch vụ lưu trú, nghỉ ngơi còn mang tính “tạm bợ” thì nay họ đã nhạy bén hơn trong cách làm du lịch. Người dân hiểu được bản thân là chủ thể trong chính mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương nên đã chủ động học hỏi, tiếp thu thêm những cách làm hay, sáng tạo để khách du lịch có những trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Homestay Tony Luận của gia đình anh Hà Văn Luận, xóm Bông 1, hiện là một trong những địa điểm được nhiều đoàn khách lựa chọn khi đến đồi chè Long Cốc. Gia đình anh là một trong những hộ tiên phong đổi mới trong kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ, sử dụng mạng xã hội là công cụ hữu ích để quảng bá, giới thiệu, kinh doanh dịch vụ cho chính homestay của mình. Anh Luận còn là một “nhiếp ảnh”, một “hướng dẫn viên” không chuyên, chụp ảnh theo nhu cầu của khách tham quan, dẫn các đoàn khách đi “tour” đến những địa điểm du lịch khác ngoài Long Cốc như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn; bản Hắm, bản Chuôi xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn… Anh Luận chia sẻ: “Tôi vẫn thường lang thang trên những đồi chè vào rất nhiều thời khắc trong ngày, tìm ra những khoảnh khắc, những góc chụp đẹp để hướng dẫn điểm “check in” cho du khách lần đầu đến Long Cốc hay để lưu giữ cho họ những bức hình, những kỉ niệm đẹp tại nơi đây. Tôi cũng từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ tại homestay, từ cách chế biến món ăn đặc trưng đến sửa sang phòng ở đảm bảo tiện nghi nhưng vẫn giữ được nét văn hóa dân tộc và liên kết với các hộ sản xuất chè để du khách có thêm các hoạt động trải nghiệm thú vị”.
Du khách được hòa mình vào đời sống, văn hóa của người dân bản địa.
Được ví là “lá phổi xanh”, là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đang là điểm đến hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên trong lành, với nhiều hang động đẹp mắt, hệ động thực vật phong phú, đa dạng và có thể tận hưởng khí hậu bốn mùa rõ rệt trong ngày. Hiện xã Xuân Sơn có 10 hộ tham gia kinh doanh homestay với khả năng phục vụ khoảng trên 300 lượt khách lưu trú du lịch và 500 lượt khách phục vụ ăn uống. Nếu như trước đây hoạt động du lịch vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu sự chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, thì giờ đây các hộ làm dịch vụ du lịch tại địa phương đã biết đổi mới phương thức kinh doanh, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, các khóa học kỹ năng làm du lịch cộng đồng, quảng bá du lịch trên mạng xã hội đồng thời đầu tư, nâng cấp các homestay và tăng thêm các dịch vụ để thu hút du khách.
Các homestay được đầu tư đẹp, hiện đại nhưng vẫn mang nét độc đáo của người dân nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND xã Hà Thị Hiền cho biết: “Hiện các hộ kinh doanh homestay phục vụ khách du lịch đã được đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng như: Giao tiếp, nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, pha chế đồ uống, chế biến và trình bày món ăn, kỹ năng xây dựng và biểu diễn một chương trình văn nghệ phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, du khách còn được trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, dịch vụ tắm, ngâm chân lá thuốc. Những đổi mới, đa dạng hóa trong cách làm dịch vụ của người dân bản địa đã dần phát huy hiệu quả, níu chân du khách mỗi khi về với Xuân Sơn”.
Nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, pha chế... là những kỹ năng rất được chú trọng, là thước đo độ hài lòng của du khách.
Có thể thấy, du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích, phát triển kinh tế mạnh mẽ cho người dân, bởi thế, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, cư dân bản địa phải luôn đổi mới, sáng tạo trong cách làm du lịch để bắt kịp xu hướng, đồng thời làm giàu thêm bản sắc và truyền thống văn hóa, làm đẹp thêm cảnh quan môi trường để thu hút khách du lịch.
Thu Hương (Nguồn: baophutho.vn)