Xác định giải quyết việc làm sẽ góp phần nâng cao thu nhập, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm qua, chính quyền và người dân ở xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công ty CP công nghệ chế biến xuất khẩu Banaco, xã Vĩnh Lại chuyên sản xuất các sản phẩm hoa quả sấy khô, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Đưa chúng tôi đi thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, đồng chí Tạ Minh Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Người dân trong xã năng động, tích cực tìm tòi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng trên cùng đơn vị diện tích. Từ những cánh đồng mẫu lớn canh tác các giống lúa cho năng suất cao như: J02, TBR225 đến một số mô hình mới như trồng ớt xuất khẩu, trồng mắc ca lấy hạt, chuối sấy khô... đều góp phần giải quyết việc làm tại chỗ rất tốt cho lao động địa phương. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, xã đã tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 220 người, đạt 147% kế hoạch năm”.
Để giải quyết vấn đề việc làm cho lao động dôi dư, thời gian qua, chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng NN&PTNT để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội với tổng dư nợ trên 157 tỷ đồng và 735 hộ còn dư nợ. Từ các nguồn vốn vay, người dân đã đầu tư phát triển các ngành nghề, thương mại, dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, hạn chế các tai, tệ nạn xã hội. Trên địa bàn xã hiện duy trì 306 hộ sản xuất kinh doanh với trên 350 lao động tham gia các loại hình ngành nghề công nghiệp, thương mại, dịch vụ và xây dựng tạo thu nhập ổn định cho đời sống Nhân dân.
Cùng với số lao động dôi dư được hỗ trợ và tự tạo việc làm tại chỗ, xã Vĩnh Lại hiện có trên 2.000 người đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài (chiếm 20% tổng dân số toàn xã), trong đó tập trung chủ yếu ở các thị trường: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Cộng hòa Séc... 6 tháng đầu năm 2024, xã có thêm 32 người đi XKLĐ, đạt 110% kế hoạch năm và 177% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đẩy mạnh XKLĐ đã góp phần chủ lực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Người lao động sau khi về nước với kiến thức, kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình cùng với nguồn vốn tích lũy được trong thời gian làm việc ở nước ngoài, phần lớn sẽ tự tạo việc làm hoặc tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài. Một bộ phận đầu tư sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ, chuyển đổi sang các công việc khác có thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp.
Nông dân xã Vĩnh Lại đưa cơ giới hoá vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, hướng đến giảm nghèo.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đào Minh Quảng ở khu 2 là hộ khá giả vì có ba người con đều đi lao động ở Hàn Quốc. Được biết, trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, nên ông Quảng đã cố gắng vay mượn, động viên các con đi XKLĐ mới mong thoát khỏi cảnh nghèo. Trước cơ ngơi khang trang, con cái trưởng thành, ông Quảng tự hào: “Chục năm về trước, gia đình tôi cố gắng lắm mới đủ ăn vì thu nhập chỉ trông chờ vào đồng ruộng.
Vợ chồng tôi quyết vay mượn để cho hai con trai và con dâu sang Hàn Quốc làm việc. Nhờ công việc ổn định, nên các cháu đã gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ và tích cóp xây dựng được nhà cửa khang trang. Đến nay, hai cháu đã về nước, tự tạo việc làm với thu nhập ổn định và vun đắp xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 54 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,87%. Từ xã thuần nông với nhiều khó khăn, đến nay Vĩnh Lại đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Hồng Nhung (Nguồn: baophutho.vn)