Sáng 3/12, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, đại biểu 47 tỉnh trong cả nước. Về phía Ủy ban Dân tộc, dự Hội nghị có Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Y Thông.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nêu rõ: Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước); trong đó, cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp khoảng 4,4%.. Có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Sau 05 năm triển khai, đã có 80% số xã có đường đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn, bản. Chất lượng điện ở nông thôn ngày càng được nâng cao, ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Các công trình thủy lợi đã đáp ứng 75% - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm. 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 58,6% xã có nhà văn hoá, 78,7% thôn, bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hình thành được vùng sản xuất quy mô tập trung. Đến tháng 11/2020, trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng ĐBKK đã có trên 1 nghìn sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước).
Đồng thời, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng thực hiện Chương trình đã được rút gọn, đơn giản hoá; qua đó, đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng NTM trên địa bàn...
Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn NTM của các địa phương vùng ĐBKK chênh lệch khá lớn so với vùng, miền khác của cả nước. Vùng miền núi phía Bắc có 35,1% xã đạt chuẩn NTM, Tây Nguyên 45,4%, vùng Đồng bằng sông cửu Long 56,8%, vùng Đông Nam Bộ 79%, vùng Đồng bằng sông Hồng 95,2% (cả nước đạt 61%). Đến nay, vẫn còn 9 tỉnh có tỷ lệ đạt chuẩn NTM dưới 30%, có 762 xã đạt dưới 10 tiêu chí, tập trung chủ yếu ở khu vực Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; 40 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, thuộc 18 tỉnh còn “trắng xã NTM”.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu tham luận tại Hội nghị
Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM vùng ĐBKK đến năm 2025 đó là: Các huyện nghèo cơ bản hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu theo quy định như: Giao thông, điện, môi trường, nước sạch, trung tâm y tế đạt chuẩn, hạ tầng giáo dục, hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung, hạ tầng thủy lợi liên xã, hạ tầng công nghệ thông tin... Phấn đấu có ít nhất 200/1.815 xã ĐBKK (khoảng 11%) và khoảng 420 xã ATK (100%) đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 15 tiêu chí; 2.109/3.513 thôn, bản, ấp (60%) thuộc các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng NTM; đồng thời đề xuất một số giải pháp cơ bản thúc đẩy xây dựng NTM hiệu quả, bền vững ở các vùng ĐBKK giai đoạn 2021 – 2025.
Tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh: Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên vùng DTTS và miền núi đến nay vẫn là nơi còn nhiều khó khăn. Đó là: Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp nhận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất. Thứ trưởng đề nghị thời gian tới cần giải quyết tốt một số vấn đề đó là: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư những nơi cần thiết. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT tiếp thu các ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để chương trình xây dựng NTM vùng ĐBKK đạt kết quả các bộ, ban, ngành, các địa phương cần làm tốt một số nội dung sau: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân; thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; quan tâm bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, Bộ LĐ&TBXH khẩn trương rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, nghiên cứu lồng ghép nguồn vốn ngân sách Trung ương của 03 Chương trình MTQG đó là Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội; Chương trình MTQG xây dựng NTM…
Trọng Bảo