Cẩm Khê đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm

Người dân làng nghề sản xuất chế biến chè Đá Hen thu hoạch chè

Thực hiện chương trình OCOP, UBND huyện Cẩm Khê đã ban hành kế hoạch triển khai và tiến hành khảo sát các sản phẩm của huyện cho cả giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo. Huyện đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn.

Sau khi lựa chọn, huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các đơn vị có sản phẩm về kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, xây dựng các chuỗi sản xuất, tư vấn, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời triển khai nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư.

Gần đây nhất, huyện đã đăng ký gian hàng, trưng bày các sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP tại Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2020 được tổ chức tại quảng trường Hùng Vương Thành phố Việt Trì từ ngày 27/11 đến ngày 1/12/2020. 10 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ các cơ sở sản xuất có sản phẩm hàng hoá tham gia hội chợ là các loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản, thủ công mỹ nghệ có uy tín, thương hiệu của huyện.

Sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, với sự tích cực trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân, đến nay sản phẩm chè xanh của Làng nghề sản xuất chế biến chè Đá Hen xã Đồng Lương đã được Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng 3 sao.

Sản phẩm rau sắn nếp muối chua hướng tới đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2021

Năm 2021, huyện Cẩm Khê phấn đấu đưa sản phẩm chè Đá Hen xã Đồng Lương đạt xếp hạng 4 sao và 3 sản phẩm đạt xếp hạng 3 sao là: Măng Tây do Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ xã Chương Xá sản xuất; sản phẩm bánh chưng Cát Trù xã Hùng Việt; sản phẩm rau sắn nếp muối chua của Hợp tác xã Liên Gia Trang xã Thụy Liễu.

Có thể thấy tiềm năng để thực hiện chương trình OCOP của huyện là rất lớn, hứa hẹn có thêm các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng, góp phần nâng cao thu nhập của bà con trên địa bàn. Song huyện gặp không ít khó khăn trong thực hiện chương trình OCOP. Trước hết, đây là chương trình mới nên các xã, thị trấn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện; một số xã còn chậm phối hợp cùng với các ban, ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình thực hiện đăng ký sản phẩm, hướng dẫn hồ sơ thủ tục tham gia chương trình OCOP.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Cẩm Khê tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực, nâng cấp các sản phẩm đã tham gia OCOP và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách hỗ trợ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã xếp hạng, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, giúp các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có thu nhập ổn định. Từ đó góp phần thực hiện các khâu đột phá “Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững; thu hút đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Khê lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

                                                                                                                                       Mạnh Thuần

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website