Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Ba năm 'thu về' hàng nghìn sản phẩm OCOP

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị 

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai sâu rộng. Các bộ, ngành và 63 tỉnh, TP cũng đã tích cực vào cuộc, thông qua nhiều đề án để cụ thể hoá việc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020. 

Sau 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân, đến nay đã có 59/63 tỉnh, TP tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020). Trong đó, 1,7% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá có tiềm năng 5 sao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ý nghĩa lớn nhất mà Chương trình OCOP mang lại là khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hoá truyền thống. Từng bước chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín.

Chương trình OCOP cũng giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. Ngoài ra, Chương trình còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình OCOP trong 3 năm qua.

Phó Thủ tướng  cho rằng: ”Mặc dù tiến độ triển khai trong cả nước còn chậm so với kế hoạch đề ra, đến hết 2018 chưa được 30% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình nhưng đến nay đã có 63/63 tỉnh thành triển khai; 59/63 tỉnh thành tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm, cho thấy việc nhận thức và ý thức chỉ đạo triển khai Chương trình ngày càng tích cực hơn”.

Đến nay, đã có 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59%, còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 41%. Kết quả này cho thấy mục tiêu là rất đúng hướng, đây là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.

Theo Phó Thủ tướng, sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm (thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải - may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; du lịch) không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid 19, sản phẩm OCOP đã được cung ứng rất tốt cho thị trường, có sự tăng trưởng về doanh thu và giá bán là minh chứng về tiềm năng, hiệu quả của Chương trình OCOP.

Phó Thủ tướng cho hay, một thành công quan trọng nữa của Chương trình OCOP là công tác xúc tiến thương mại được các bộ, ngành, địa phương triển khai rất tích cực và hiệu quả. Ví dụ, Bộ Công thương đã nhanh chóng ban hành quyết định quy chuẩn trung tâm/điểm bán hàng OCOP, giúp cho cả nước có trên 142 trung tâm/ điểm bán hàng OCOP...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội vì có thành tích trong triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020

Bên cạnh những kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu rõ Chương trình OCOP còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đó là  một số địa phương chưa chủ động vào cuộc . Một số địa phương lại có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để tạo hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, thương hiệu OCOP Việt Nam…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, muộn nhất vào tháng 6/2021.

"Trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch; từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.

Ngoài ra, phải chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; trong đó, ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.

Đối với TP Hà Nội, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết sẽ chỉ đạo tổ chức triển khai 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ phát triển đa dạng hoá sản phẩm thuộc 6 nhóm gắn với quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP. Thứ hai, giám sát chặt chất lượng sản phẩm OCOP để bảo đảm uy tín, chất lượng. Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho chủ thể và cán bộ trực tiếp tham gia triển khai Chương trình OCOP; huy động sự vào cuộc của đông đảo các tầng lớp Nhân dân đối với việc thực hiện mục tiêu chung của Chương trình.

                                                         Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website