Cự Đồng nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Nghề chế biến gỗ, góp phần  chuyển đổi  cơ cấu kinh tế,  tạo việc làm cho lao động của  xã Cự Đồng. - Cơ sở  chế biến gỗ của hộ anh  Đinh Ngọc Ánh - khu Quyết Tiến mỗi năm cho  thu nhập trên  200 triệu đồng.
Nghề chế biến gỗ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động của xã Cự Đồng.
- Cơ sở chế biến gỗ của hộ anh Đinh Ngọc Ánh - khu Quyết Tiến mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Trò chuyện với người dân trong xã, chúng tôi được biết nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, đặc biệt triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp cho đời sống của người dân có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Cách đây chỉ 15 năm trở về trước, ven sườn đồi vẫn là những nóc nhà liêu xiêu lợp lá, đường giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống còn nhiều vất vả. Nhờ được hỗ trợ và lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, cộng thêm sự đóng góp của người dân, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đã từng bước được củng cố và hoàn thiện.

Sự đổi thay ấy bắt đầu từ kinh tế và đời sống tinh thần của người dân. Cự Đồng giờ đây đã xuất hiện nhiều gương làm kinh tế giỏi. Họ đều xuất phát điểm từ điều kiện kinh tế khó khăn, đã nỗ lực lao động, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn vay vốn kinh doanh để làm giàu chính đáng.

Trong chiến lược xóa nghèo, phát triển kinh tế, xã đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình làm kinh tế. Những hộ được chọn hỗ trợ đầu tư, vay vốn phải thông qua lựa chọn kỹ càng, đúng địa chỉ vừa đảm bảo việc thoát nghèo bền vững, vừa là nơi để bà con học tập và làm theo.

Tuy Cự Đồng đang trong quá trình thay da đổi thịt nhưng chưa thể giàu lên, bởi mức thu nhập bình quân vẫn dưới mức 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%. Thực tế cũng cho thấy, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng phát triển chưa tương xứng. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn xã không nhiều, quy mô không lớn nên khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách còn khiêm tốn nên việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân không dễ khắc phục trong một sớm một chiều.

Với địa hình đất ruộng đồng mấp mô xen lẫn đồi núi, hệ thống kênh mương, đập tưới tiêu chưa hoàn thiện khiến việc sản xuất của người dân manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất chưa mang tính hàng hóa. Đại bộ phận nhân dân trong xã sống bằng nông nghiệp, lực lượng lao động tại địa phương dồi dào nhưng đa số là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Các dịch vụ tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề có phát triển nhưng chưa mạnh, người dân chưa thực sự có hướng làm ăn hiệu quả.

Nhiều hộ gia đình còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa đảm bảo và thiếu đầu tư thức ăn trong chăn nuôi dẫn đến hiệu quả chăn nuôi thấp. Bên cạnh đó, các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được tập huấn, chuyển giao nhưng một bộ phận người dân chưa mạnh dạn áp dụng vào thực tế.

Sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, phần lớn hộ nghèo thiếu vốn, thậm chí việc tiếp thu kiến thức kinh tế, kỹ thuật của một bộ phận ít nhiều còn thụ động. Trên địa bàn xã hiện còn trên 50 nhà tạm, nhà dột nát nên việc thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư vẫn còn nan giải.

Bên cạnh khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, môi trường, nhà ở dân cư... xây dựng cơ sở vật chất văn hóa cũng là một trong những tiêu chí khó. Đây có thể được xem là bài toán khó đối với xã miền núi như Cự Đồng trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn. Hiện tại 8/8 khu dân cư của xã đã có nhà văn hóa và sân thể thao nhưng một số xuống cấp, chưa đạt chuẩn; xã chưa có nhà văn hóa và khu thể thao trung tâm.

Ông Hà Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để tiếp tục thực hiện các tiêu chí còn lại, Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, đường giao thông. Xã tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu, nội dung của chương trình để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Huy động thêm nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế”.

Nguồn:baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website