Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng tại xã Kinh Kệ (huyện Lâm Thao)
Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng chương trình NTM, đến nay, toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 11,6 tiêu chí/xã. Giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh đã huy động được khoảng trên 5.800 tỷ đồng để đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nợ đọng xây dựng cơ bản của một số địa phương còn ở mức cao. Tính đến nay, trên toàn tỉnh, nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM còn khoảng 132 tỷ đồng. Một số huyện nợ đọng xây dựng cơ bản trên 10 tỷ đồng như huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Thủy, Yên Lập, các huyện còn lại nợ từ 1 đến 5 tỷ đồng.
Nguyên nhân có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản là khi bắt tay vào xây dựng NTM xuất phát điểm của các xã thấp, nhu cầu đầu tư thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng rất lớn, trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương còn hạn chế, vốn từ cộng đồng dân cư khó khăn. Mặt khác, trong quá trình xây dựng NTM, một số địa phương chưa quan tâm bố trí vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, chưa xử lý dứt điểm nợ của ngân sách cấp mình; một số dự án ứng vốn để thi công dẫn đến khối lượng thực hiện vượt nhiều so với số vốn trong kế hoạch. Bên cạnh đó, vốn để đầu tư các công trình ở cấp huyện, xã chủ yếu là từ đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm nhưng nguồn thu này cũng rất hạn chế bởi có nhiều xã giá trị đất không cao nên không thể đủ bù phần kinh phí đang thiếu hụt dẫn đến tình trạng nợ xây dựng cơ bản chậm được xử lý.
Về xã Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy) những ngày chớm đông được tận mắt nhìn những cánh đồng rau xanh mơn mởn và con đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của địa phương này sau 5 năm hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Ông Phạm Xuân Thư - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hoàn thành xây dựng nông thôn mới là cả chặng đường nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong xã. Cái được của chương trình này mang lại thì ai cũng thấy, bởi đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, do áp lực về tiêu chí, thậm chí “chạy tiến độ” để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo đúng lộ trình đề ra, nhiều hạng mục công trình phải làm gấp dẫn đến việc còn nợ đọng xây dựng cơ bản”. Cũng theo ông Thư, một trong những cái khó của Đoan Hạ là nguồn thu còn eo hẹp do trên địa bàn xã chỉ có một vài tổ hợp tác nhỏ và tiền thuế chợ không thu vì xã không quy hoạch chợ; các chương trình, dự án lồng ghép triển khai chậm, đời sống dân cư không đồng đều nên việc huy động nguồn lực “trả nợ” cho xây dựng cơ bản NTM vẫn còn nhiều khó khăn. Đến nay, Đoan Hạ đang phải gánh trên vai khoảng 2,3 tỷ đồng nợ đọng.
Ngoài xã Đoan Hạ thì một số địa phương khác cũng trong tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đa phần do nóng vội, chạy theo phong trào, thành tích, chưa lượng được sức mình, chỉ tập trung nhiều vào các tiêu chí xây dựng cơ bản, chưa quan tâm thật sự đến các tiêu chí khác. Hơn nữa, việc xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng không cân đối trước các nguồn vốn đầu tư, dẫn đến nhiều hạng mục xây xong không có vốn để trả nợ. Chưa kể có hạng mục công trình xây dựng xong ít được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí và làm tăng thêm số nợ của địa phương, điển hình như Trạm cấp nước sinh hoạt và Trạm thu gom xử lý rác thải xã Đồng Luận (huyện Thanh Thủy), Trạm xử lý rác thải xã Sơn Dương (huyện Lâm Thao)…
Theo Luật Đầu tư công, nợ xây dựng cơ bản là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa có vốn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó. Căn cứ các quy định hiện hành thì tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao để không gây nên nợ đọng xây dựng cơ bản. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, Chỉ thị số 07 ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ cùng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành, thị, các xã, thị trấn tập trung ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; huy động, lồng ghép đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng NTM sát với điều kiện cụ thể của tỉnh; tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các doanh nhân, con em xa quê hương…
Thanh Ba là một trong những huyện có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng NTM ở mức thấp. Trao đổi về kinh nghiệm hạn chế nợ đọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Phương Hạnh cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Thanh Ba gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, cái khó nhất chính là nguồn vốn đầu tư để xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí “cứng” như giao thông, thủy lợi, trường học... Trước thực tế đó huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm túc công tác đầu tư xây dựng cơ bản; xác định rõ tổng vốn và cơ cấu của nguồn vốn để đảm bảo tính chịu đựng của ngân sách các cấp và tính khả thi của công trình, dự án trước khi tiến hành xây dựng; không ứng vốn vượt quá tỷ lệ cho phép đối với từng dự án; tuyệt đối không triển khai xây dựng các công trình khi chưa có vốn, chưa xác định rõ nguồn vốn chi trả sau khi được phân khai. Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng xã; đầu tư cơ sở hạ tầng tăng quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thanh toán nợ xây dựng cơ bản và tăng cường đầu tư duy trì, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất đã có”.
Đối với việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM của huyện Thanh Thủy, ông Nguyễn Mạnh Sơn - Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cũng cho biết: “UBND huyện Thanh Thủy tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường nguồn thu từ các khoản thu thuế của các hộ kinh doanh; chú trọng công tác quy hoạch, bán đấu giá quyền sử dụng đất và xã hội hóa các nguồn vốn. Đến nay, huyện đã hoàn trả được từ 30 - 50% tổng nợ, hiện Thanh Thủy chỉ còn nợ khoảng 18 tỷ đồng. Giải pháp trước mắt của huyện trong năm 2016 là ưu tiên các nguồn có được, kể cả ngân sách Nhà nước để tập trung xử lý nợ đọng cho các địa phương. Ngoài ra, không để nợ đọng tiếp tục diễn ra, từ năm 2016, huyện đổi mới phương thức xây dựng các công trình, Nhà nước bố trí vốn bao nhiêu sẽ xây dựng bấy nhiêu, phần đối ứng của địa phương và nhân dân lúc nào huy động đủ mới tiến hành xây dựng hoàn thiện”.
Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, đến hết tháng 9/2016 toàn tỉnh chỉ còn nợ khoảng 132 tỷ đồng (so với số nợ ngày 31/1/2016 thì đã trả được 67.905 triệu đồng). Theo ông Vũ Quốc Tuấn – Chi cục Trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Để không phát sinh nợ mới, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý hợp đồng, quản lý chất lượng công trình, tạm ứng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư; tập trung làm tốt công tác giám sát, đánh giá đầu tư trên địa bàn theo quy định; nâng cao hiệu quả công tác giám sát đầu tư cộng đồng; tăng huy động nguồn lực (nhất là từ nguồn ngân sách, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế). Đồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát quy hoạch NTM; chú trọng đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản gắn với phát triển sản xuất, đời sống của người dân. Các địa phương cũng cần rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thanh toán nợ xây dựng cơ bản”.
So với cả nước, Phú Thọ là tỉnh có số nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM không lớn nhưng hầu hết các xã đã và đang xây dựng NTM đều “mắc nợ”. Vì vậy, ngoài thực hiện các giải pháp gỡ nợ đọng của tỉnh, huyện thì các địa phương cũng cần đề ra các giải pháp cụ thể huy động, sử dụng nguồn lực cho xây dựng NTM hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có như vậy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới thực sự hiệu quả và bền vững.
Nguồn: Phuthoportal.