Hạn chế nợ đọng xây dựng nông thôn mới: Kinh nghiệm ở Thanh Ba
 Lương Lỗ một trong các xã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh nợ đọng XDNTM ở  Thanh Ba.
Lương Lỗ một trong các xã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh nợ đọng XDNTM ở Thanh Ba.

Trong quá trình thực hiện chương trình XDNTM, BCĐ chương trình MTQG XDNTM huyện đã xác định  phải có kế hoạch phối hợp, quản lý, sử dụng hiệu quả, minh bạch các nguồn lực đầu tư... Việc quy hoạch XDNTM phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, tình trạng nhiều công trình thi công dở dang nằm chờ vốn. Để hạn chế tình trạng nợ đọng trong xây dựng các công trình phát triển hạ tầng nông thôn mới, huyện Thanh Ba đã chỉ đạo 26 xã trên địa bàn lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới sát hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Trong quá trình thực hiện, có sự tham gia, góp ý của người dân cũng như xác định được những thuận lợi, thách thức của địa phương khi thực hiện chương trình, từ đó có những bước đi thích hợp, không nóng vội, chạy theo thành tích.

Xã Lương Lỗ là một trong những địa phương của huyện phấn đấu về đích NTM năm 2016. Hiện nay, xã đang tập trung hoàn thiện tiêu chí còn lại là xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đồng chí Lê Ngọc Thực- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trên cơ sở đề án chi tiết, xã đã phân kỳ thực hiện các hạng mục trong quy hoạch; dự tính nguồn lực để triển khai cho phù hợp. Cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, xã đã đẩy mạnh vận động và huy động được nguồn lực lớn từ sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp và con em xa quê hương… Đặc biệt, sự sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đảm bảo mục tiêu bền vững và phát huy hiệu quả các công trình nông thôn mới; tránh tình trạng nợ đọng, lãng phí, phát sinh nợ”.

Ngoài nguồn hỗ trợ trực tiếp của chương trình, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn như: Chương trình 135, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo…; hướng dẫn các địa phương thực hiện triệt để cơ chế đặc thù của tỉnh nhằm giảm chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sự đóng góp, ủng hộ của con em xa quê hương; vận động nhân dân hiến đất làm đường, góp công, góp tiền xây dựng nông thôn mới. Việc huy động sức dân được đảm bảo minh bạch, rõ ràng, hợp tình, hợp lý được sự đồng thuận của dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm túc công tác đầu tư xây dựng cơ bản; xác định rõ tổng vốn và cơ cấu của nguồn vốn để đảm bảo tính chịu đựng của ngân sách các cấp và tính khả thi của công trình, dự án trước khi tiến hành xây dựng; không ứng vốn vượt quá tỷ lệ cho phép đối với từng dự án; tuyệt đối không triển khai xây dựng các công trình khi chưa có vốn, chưa xác định rõ nguồn vốn chi trả sau khi được phân khai. Đồng thời, huyện cũng đã kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án đầu tư; tập trung bố trí nguồn lực đối với các dự án có hiệu quả, dự án cấp bách, các công trình hạ tầng thiết yếu với phát triển sản xuất, đời sống của người dân; cắt giảm và dừng các dự án không có hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng xã; đầu tư cơ sở hạ tầng tăng quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn thanh toán nợ xây dựng cơ bản và tăng cường đầu tư duy trì, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất đã có”.  

Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Thanh Ba đã sử dụng hiệu quả gần 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 61 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đạt 1.000 tỷ đồng; vốn tín dụng ước đạt 250 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 650 tỷ đồng, góp phần đưa tiêu chí nông thôn mới toàn huyện tăng 191 tiêu chí, bình quân tăng 7,35 tiêu chí/xã; trung bình các xã đạt 12,62 tiêu chí. Dự kiến hết năm 2016, huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến thời điểm cuối tháng 6, các địa phương trong huyện còn nợ đọng xây dựng nông thôn mới số tiền trên 5 tỷ đồng.

Từ những kinh nghiệm trên, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thanh Ba xây dựng kế hoạch, lộ trình, xác định rõ nguồn lực để thực hiện chương trình, trong đó, tiếp tục ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí phục vụ cho các xã bao gồm kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình, các nguồn kinh phí lồng ghép…Trên cơ sở phát huy nội lực, mỗi xã  đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng và các chi phí khác, tăng thu ngân sách; linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn tài chính để thực hiện chương trình.


Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website