Giao thông nông thôn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

 

Thi công đường Vũ Thê Lang đoạn qua xã trưng Vương, thành phố Việt Trì góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông. Ảnh: Đinh Vũ
Thi công đường Vũ Thê Lang đoạn qua xã trưng Vương, thành phố Việt Trì
góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông. Ảnh: Đinh Vũ

Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch UBND xã Vân Du cho biết: Người dân Vân Du nhận thức rất rõ phát triển GTNT là để phục vụ cho chính bản thân gia đình mình, con em mình.

Từ nhận thức đó, người dân trong xã luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc, hiến đất, đóng góp tiền của, công sức để làm đường GTNT. Phát triển GTNT đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn xã với tinh thần: “Người người làm giao thông, nhà nhà làm giao thông”. Riêng trong năm 2015, bên cạnh số tiền hỗ trợ của Nhà nước là 8 tỷ đồng, nhân dân trong xã cũng đã tham gia đóng góp được trên 10 tỷ đồng để làm mới trên 5 km đường GTNT. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn địa bàn xã có trên 3km đường GTNT được nhựa hóa; 35,044km đường bê tông hóa (trong đó có 5,502km đường nội đồng). Với sự nỗ lực cao của nhân dân trong việc chung tay xây dựng, đến nay Vân Du đã hoàn thành xong tiêu chí số 2 về phát triển giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ một địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Thanh Ba, những năm gần đây, nền kinh tế của xã Lương Lỗ đã có sự phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, giao thông thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Theo ông Cù Tất Tuấn- Chủ tịch UBND xã Lương Lỗ: Một trong những yếu tố tác động tích cực tới kinh tế của xã chính là sự phát triển của hệ thống GTNT.  Trước  đây cơ sở hạ tầng giao thông của xã rất khó khăn, nhưng từ khi thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 528 của UBND huyện Thanh Ba về phát triển GTNT giai đoạn 2011-2015 thì hạ tầng giao thông của xã mới có bước phát triển mạnh mẽ. Giao thông phát triển đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp tới các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của xã theo hướng nhanh và bền vững; đồng thời mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tính đến nay, xã đã bê tông hóa được hơn 9 km đường trục thôn xóm (đạt 78%); gần 12km đường ngõ xóm (đạt 88%); gần 9km đường nội đồng cấp phối và bê tông (đạt 66,57%). Trong 5 năm đã làm mới được 11,489 km đường giao thông các loại với tổng giá trị đầu tư 7,123 tỷ đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng với giá trị hơn 1tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp).

Xác định phát triển GTNT đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng; đồng thời góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Do vậy, trong nhiều năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là GTNT. Ngày 10-3-2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển GTNT giai đoạn 2011-2015. Sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự tập trung lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội; sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, phong trào phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả,  trong 5 năm tỷ lệ cứng hóa đường GTNT đạt 56,5% kế hoạch; làm mới 210 km đường, đạt 419%; cải tạo, nâng cấp 2.989km đường, đạt 145,8% (trong đó, đường bê tông xi măng là 1.943km, đạt 162%). Toàn tỉnh huy động được trên 7.696 tỷ đồng phát triển GTNT, đạt gần 143% kế hoạch. Như vậy, sau 5 năm thực hiện, với sự chỉ đạo quyết tâm của các cấp thông qua các biện pháp cụ thể, phù hợp, mạng lưới GTNT trong tỉnh không ngừng được mở rộng, nâng cấp, đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Làm thay đổi cả diện mạo nông thôn mới, đồng thời tạo nên nếp nghĩ và các cách làm mới ở cơ sở. Nhờ GTNT phát triển nên việc vận chuyển hàng hoá, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của nhân dân được thuận lợi, kinh tế- xã hội phát triển, đời sống nhân dân có những bước cải thiện đáng kể.

Bên cạnh những mặt đạt được cũng cho thấy, việc phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như số lượng cầu, tràn làm mới, số km đường duy tu, đường huyện, đường trục chính nội đồng chưa đạt mục tiêu. Một số cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát trong công tác lãnh chỉ đạo và vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào kinh phí của Nhà nước, chưa chủ động khai thác nguồn lực để đầu tư phát triển GTNT. Quy hoạch đường giao thông ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ, không sát với thực tế; kết cấu, quy mô công trình chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Việc quản lý công trình và bảo trì công trình chưa được quan tâm đúng mức. Các nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình chưa nhiều...

Để phong trào phát triển GTNT phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường lãnh, chỉ đạo đối với công tác phát triển GTNT; phát huy vai trò của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, sự vào cuộc của các thành phần kinh tế tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển GTNT; khơi dậy được tinh thần đoàn kết trong nội lực của mỗi địa phương, phát huy hiệu quả phong trào hiến đất làm đường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa GTNT, tuyên truyền vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân tích cực đóng góp làm đường GTNT. Làm tốt công tác quản lý các nguồn lực đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao chất lượng công trình... Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 190 km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa; 56,6 km đường trục thôn, xóm được bê tông hóa; trên 96 km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội (trong đó bằng bê tông xi măng 53km, cấp phối hơn 43km); trên 315km đường nội đồng được bằng bê tông xi măng và dải cấp phối; xây dựng 65 cầu treo dân sinh... Tổng vốn huy động làm đường GTNT đạt trên 1.087 tỷ đồng.


Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website