TỔNG KẾT 10 NĂM CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
      
      
                         Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tại Hội nghị

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo của các Ủy ban của Quốc hội; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các nhà khoa học; các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM,...

52,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới

     
                                                        Chủ trì Hội nghị

Ngay từ giữa năm 2019, Nam Định là một trong hai địa phương (cùng với Đồng Nai) dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM với 100% số xã và huyện đạt các tiêu chuẩn NTM. Trước đó vào năm 2015, huyện Hải Hậu của địa phương này là huyện thứ 4 của cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Theo Bộ Văn hóa -  Thể thao và Du lịch, với truyền thống “Mỹ tục khả phong” “Thiện tục khả phong” được các triều đại phong kiến ban, trong thời đại Hồ Chí Minh, Hải Hậu (Nam Định) luôn là ngọn cờ đầu trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Từ năm 1978 đã được Bộ VHTT công nhận là “điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước” và liên tiếp những năm sau đó, cho đến năm 1998 được công nhận 20 năm liền là mô hình điển hình văn hóa cấp huyện. Để đi tới hội nghị tổng kết toàn quốc hôm nay, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức 4 hội nghị tổng kết ở các vùng trên cả nước.

     
   Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia nêu rõ: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt nguồn từ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đề ra mục tiêu "Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường".

Để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo "xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện. Đề án đã lựa chọn 11 xã điểm tại 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng khác nhau của đất nước để tổ chức triển khai thực hiện.

Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, các ngành, các thành phần trong xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, khuôn khổ pháp luật từng bước được hoàn thiện với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, thảo luận nhằm đánh giá những thành tựu, kết quả nổi bật của chương trình trong thời gian vừa qua, nhất là nhìn nhận, đánh giá lại công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến cơ sở; đánh giá vai trò và sáng tạo của người dân; kinh nghiệm tuyên truyền, vận động thu hút, lôi cuốn người dân, giúp người dân thấy được quyền và lợi ích chính đáng của mình, từ đó sẵn sàng chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm, các giải pháp, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn, thiết thực và hiệu quả hơn, để phát triển nông thôn hài hòa, hướng tới chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn, trong đó tập trung vào xây dựng khung khổ chính sách cho xây dựng nông thôn mới của cả nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030; lựa chọn các nội dung để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp…

     
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 (là thời điểm tổng kết giai đoạn 1) và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng (đạt 84,86%), miền núi phía Bắc (đạt 28,6%) đã hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao; có 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sớm và vượt mục tiêu 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao; có 8 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ). Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, có 2/7 vùng và 19/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành và vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 4 huyện (Hải Hậu - Nam Định; Nam Đàn- Nghệ An; Đơn Dương - Lâm Đồng và Xuân Lộc - Đồng Nai) được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng NTM, để tổng kết, đánh giá phục vụ xây dựng tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn sau năm 2020. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM vào hôm qua, ngày 18/10.

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 15 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Có 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới áp dụng đối với cấp thôn theo quy định; Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Đảm bảo tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới

    
   Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, gần 10 năm qua, quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng, nội dung, mục đích Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng, phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương tập trung phối hợp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm NTM; vận động các tầng lớp nhân tham gia thực hiện bằng các công việc cụ thể như hiến đất, đóng góp ngày công, tiền bạc nâng cấp, làm mới cơ sở hạ tầng; tham gia các mô hình tự quản bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự.

Đặc biệt, trong việc duy trì, đẩy mạnh các hoạt động vận động xây dựng quỹ vì người nghèo, vận động an sinh xã hội, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh, gần 10 năm qua, Quỹ vì người nghèo các cấp đã vận động được hơn 12 nghìn tỷ đồng; vận động an sinh được hơn 40 nghìn tỷ đồng. Từ các nguồn vận động, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 800 nghìn căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo cùng nhiều hoạt động hỗ trợ khác, thiết thực giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, Mặt trận đã phát huy vai trò của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc giám sát việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Thông qua giám sát của nhân dân, các sai phạm được kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý.

“Mặt trận các cấp cũng chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tiến hành lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Từ tháng 6/2017 đến tháng 8/2019, Mặt trận các cấp đã lấy ý kiến được trên 581 ngàn lượt ý kiến của người dân về công nhận cấp huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo tỷ lệ hài lòng của người dân.”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh thông tin.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đang diễn ra ở địa bàn dân cư, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; tuyên truyền, vận động nhân dân giữa vững và nâng cao chất lượng nông thôn mới đối với các địa phương đã đạt chuẩn và tiếp tục vận động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục vận động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khó khăn trong đó tập trung tiêu chí nhà ở cho hộ gia đình có khó khăn về nhà ở.

“Phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân trong xây dựng nông thôn mới và tham gia góp ý hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng đánh giá, công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn
 
    
                     Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, xây dựng NTM là phong trào rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử.

Trong 9 năm đã huy động được nguồn lực lớn, đến 2,4 triệu tỷ đồng, trung bình mỗi năm huy động tương đương 10 tỷ USD cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội. Chính vì thế, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng. Sức dân là vô cùng to lớn trong thành công này.

“Chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra và sớm hơn 1 năm rưỡi so với Nghị quyết 26. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự đã tạo ra một bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Thủ tướng cho biết một số đoàn công tác nước ngoài đến tỉnh Ninh Bình để nghiên cứu về NTM thì đều khen ngợi “không ngờ nông nghiệp Việt Nam lại như vậy””, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương như việc chỉ đạo chưa đồng bộ, có lúc có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, làm cho bức tranh phát triển không đồng đều, thậm chí ngay ở những nơi có điều kiện hay trong cùng những điều kiện giống nhau nhưng kết quả lại rất khác nhau; Các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo môi trường sống cho người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa có được kết quả đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng; việc xử lý rác thải chưa được triển khai hiệu quả, đặc biệt là rác thải nhựa;…

“Chúng ta phải nhìn nhận những thách thức, nguy cơ đó để quyết tâm hơn, có biện pháp cụ thể hơn, nhất là trước nguy cơ biến đổi khí hậu. Phải tận dụng tối đa các cơ hội phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất các nhân tố bất lợi, biến nguy cơ thành cơ hội”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập; Phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống. Xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã đảo.

“Trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành 19 chỉ tiêu giai đoạn 2010 -2020 cần phải có mục tiêu cao hơn cả về sản xuất, cả về đời sống, môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng. Đặc biệt là phải tập trung lo văn hóa, chống tệ nạn xã hội, xây dựng văn hóa nông thôn. Còn nhóm gần 50% số xã chưa đạt 19 tiêu chí thì phải dồn sức để hoàn thành tích cực hơn”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng nhấn mạnh dự kiến phấn đấu đến 2025 có 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 10% được công nhận huyện, thị xã nông thôn kiểu mẫu; có ít nhất 9 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đặc biệt chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Chỉ ra một số giải pháp lớn, Thủ tướng nêu rõ phải tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo thống nhất các cấp để có được đội ngũ cán bộ chuyên tập trung cho sự tham mưu, chỉ đạo. Hoàn thiện bộ tiêu chí theo hướng tạo khung khổ định hướng để các địa phương phát huy tính chủ động sáng tạo cao nhất, để đạt kết quả tốt nhất. “Các địa phương không được chủ quan, không được thỏa mãn với kết quả ban đầu này, phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc”.

Tổng huy động nguồn lực đầu tư bằng cơ chế, hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa, riêng ngân sách tập trung cần được tăng cường bằng 2 nhóm nguồn chính. Đó là đầu tư trung hạn 2021-2025 và chương trình mục tiêu quốc gia 2021- 2025, đặc biệt đầu tư xã hội và vai trò hợp tác xã… trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Không có hợp tác xã kiểu mới, những tập đoàn lớn, không có những trang trại quy mô khó có thể chuyển một nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.

“Tóm lại có 4 vấn đề cốt lõi xây dựng NTM, một là không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi là nhiệm vụ của chúng ta. Thứ hai, xây dựng miền quê đáng sống, xanh, sạch, đẹp. Thứ 3, cần phải tiếp tục bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hóa,  nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển. Thứ 4, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói. “Một chương trình hành động cụ thể sau Hội nghị này phải được chuẩn bị để đưa ra thông qua tại cấp ủy, chính quyền từng cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện, nhất là ở những địa phương còn có nhiều huyện, xã chưa đạt danh hiệu NTM”.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các ngành hưởng ứng phong trào thi đua được phát động ngày 18/10, đó là “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Hương Diệp - ảnh Quang Vinh


 

 


 


 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website