Bộ mặt giao thông nông thôn được cải thiện
Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) là một trong những xã thuần nông nghèo, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ chuyển dịch cơ cấu hợp lý, phát huy tốt thế mạnh của địa phương, kinh tế xã Xuân Bảo tăng trưởng ổn định, thu nhập người dân không ngừng nâng lên. Từ đó, phong trào xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu phát triển rộng khắp, làm diện mạo vùng quê thay đổi khang trang, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn.
Đồng bào Chơ Ro xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu giữ gìn bản sắc dân tộc.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo cho biết, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng tuyến đường Giếng đá nối dài thuộc ấp Tân Hạnh; đồng thời khởi công 6 tuyến chuyển tiếp của năm 2020 (gồm tuyến đường tổ 20; tổ 22; tổ 14; tuyến đường TĐ 9; đường liên tổ 18-19 thuộc ấp Nam Hà). Ngoài ra, xã Xuân Bảo còn huy động nhân dân chung tay để lắp đặt hàng trăm bóng đèn chiếu sáng, camera an ninh tại các trục đường xã, liên xã. “Bên cạnh hệ thống các đường liên ấp, đường trong khu dân cư được cứng hóa, xã Xuân Bảo còn có tuyến đường Xuân Định-Lâm San đi qua, kết nối với Quốc lộ 1A; tuyến đường Tân Mỹ-Nhân Nghĩa kết nối với Quốc lộ 56. Hiện nay, xã đang tiếp tục vận động kinh phí đóng góp từ nhân dân xã hội hóa, mở rộng và nhựa hóa, cứng hóa thêm các tuyến đường. Phấn đấu đến cuối năm 2021 đạt 3/4 tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu và đạt 7/7 tiêu chí và hoàn thành xây dựng khu dân cư kiểu mẫu”, ông Hùng nói. Ðến xã Bảo Bình hôm nay là sự thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn với hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện. Ðường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện Cẩm Mỹ được nhựa hóa. Đặc biệt, tuyến đường Long Giao-Bảo Bình với chiều rộng 13m, chiều dài gần 10km đã được nhiều hộ dân trên địa bàn tình nguyện hiến đất làm đường. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối Trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ với các xã: Bảo Bình, Xuân Tây, Xuân Đông. Tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Và những miền quê đáng sống…
Những năm trước, Ban ấp Thọ An (xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh) đi vận động bà con trồng hoa ngoài đường rất khó khăn. Nhiều người cho rằng, cái ăn cái mặc lo còn chưa xong huống gì trồng hoa ngoài đường. Ấy vậy mà khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều gia đình thấy nhà hàng xóm có hoa nở đẹp hơn nhà mình nên đã tự nguyện mỗi người góp một tay, cùng nhau chăm sóc hoa trước cổng nhà mình, trong hoa khuôn viên nhà góp phần làm cho diện mạo xóm, ấp ngày càng đẹp hơn. Bí thư Chi bộ ấp Thọ An, xã Bảo Quang Nguyễn Duy Đức cho biết, bắt đầu từ năm 2018, nhân dân ấp Thọ An đã thường xuyên dọn dẹp, phát quang trên 3.000m đường, trồng thêm trên 100 cây Hoàng Yến; lắp đặt trên 300 đèn chiếu sáng quanh ấp; đồng thời treo cờ Tổ quốc dọc các tuyến đường. Đến nay, hai bên đường vào ấp và trước ngõ các gia đình các loại hoa nở vàng rực cả một vùng trời. Bất cứ ai đi qua những con đường này đều tấm tắc khen ngợi và không khỏi trầm trồ, nhiều người cảm xúc không thốt nên lời. “Để xây dựng những tuyến đường hoa, ban đầu cũng khá vất vả nhưng với quyết tâm: “Cây nào khô chết thì dặm lại ngay và tưới cây mỗi ngày”… các tuyến đường hoa đẹp dần trở thành những phong trào thi đua được người dân hưởng ứng tích cực. Không chỉ trồng hoa, một số hộ còn trồng thêm nhiều loại rau thường dùng trong gia đình. Hoạt động chăn nuôi đã được bà con đưa ra ngoài vùng dân cư, không còn tình trạng nuôi nhỏ lẻ vài ba con bò, con heo hay con gà… Điều đó góp phần tạo nên không gian đường quê sạch đẹp, hình ảnh đàn gia súc, gia cầm đi lại ngoài đường dường như đã giảm hẳn”, ông Đức chia sẻ. Mặc dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn song người dân Phú Lý, Mã Đà tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới. Đặc biệt, bà con nơi đây chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa; trồng nhiều tuyến đường, nhất là tuyến đường hoa giấy, hoa sứ dài 20km dẫn vào Chiến khu Đ. Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai cho biết, dự án trồng đường hoa được thực hiện hơn 10 năm với mục đích là tạo cảnh quan đẹp để phục vụ du khách khi về nguồn, đồng thời thực hiện phương án phát triển du lịch sinh thái trên vùng đất lịch sử Chiến khu Đ. Hiện nay, vùng đất Mã Đà, Phú Lý và đang khoác trên mình tấm áo mới với những đổi thay rõ rệt. Kết quả đó là bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, sự chung sức, đồng lòng xây dựng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn, là kết quả thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Điều đáng phấn khởi là, không chỉ có nhà cửa, đường sá sạch đẹp mà điều quan trọng là có con người mới, suy nghĩ mới, cung cách ứng xử mới, tầm nhìn mới và lối sống mới trên vùng đất vốn chịu nhiều “thiệt thòi” sau chiến tranh.
Để giữ được đất đai, vốn quý con người, bản sắc, phong vị đời sống trong tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, kèm theo những phân hóa dữ dội của xã hội và thị trường... không chỉ Mã Đà, Phú Lý mà hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chọn cách phát huy thế mạnh riêng của mình. Bên cạnh thực hiện hiệu quả những mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, các địa phương còn chú trọng sức mạnh bản sắc văn hóa-rất đúng đắn với quan điểm về NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu của nước ta hiện nay. Một hành trình hoàn thiện nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, do nông dân Việt Nam làm chủ và sẽ không có điểm dừng lại…
Bài và ảnh: MINH CẦM (Nguồn: Báo Quân đội nhân dân)