Thời gian qua, chính sách tín dụng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn của ngành Ngân hàng đã phát huy vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân, với các gói tín dụng ưu đãi, phù hợp, được áp dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm đã thực sự là đòn bẩy hỗ trợ đắc lực giúp tăng trưởng tín dụng, duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực nông thôn.
Agribank Phú Thọ đẩy mạnh cho vay các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững của tỉnh, ngành Ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này. NHNN Chi nhánh tỉnh đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng phù hợp. Đồng thời chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về mục đích, vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, ngành đã xây dựng các văn bản, kế hoạch hướng dẫn hệ thống ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai quyết liệt chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, dành mọi nguồn vốn để đầu tư tín dụng với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi, trong đó tập trung cho vay các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, khuyến khích như sản xuất lương thực, phát triển và chế biến chè, phát triển thủy sản, rừng sản xuất, cây ăn quả, phát triển đàn lợn thịt, bò thịt chất lượng cao...; triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch… Đối tượng cho vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các chủ trang trại và các HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các NH, TCTD thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN, NH cấp trên về thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đến nay, 100% ngân hàng thương mại rà soát và triển khai hạ lãi suất theo yêu cầu, lãi suất bình quân các ngân hàng đã thực hiện giảm từ 0,8-0,9%/năm. Số khách hàng đã được giảm lãi suất trên 97.000 khách hàng. Tổng dư nợ được giảm lãi gần 33.500 tỉ đồng, số tiền lãi đã được giảm 35,8 tỉ đồng.
Nhiều giải pháp đặc thù mang tính đột phá, phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn được các NH, TCTD triển khai trong suốt thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đó là việc thực hiện chính sách cho vay tín chấp với hạn mức phù hợp. Đây là bước đột phá lớn nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn tín dụng NH. Hiện số dư nợ cho vay tín chấp cũng đạt gần 8.600 tỉ đồng.
Nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các NH, TCTD mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn được triển khai nhanh chóng. Trong đó tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, khuyến khích mở rộng địa bàn hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp, nhất là các khu vực có mạng lưới ngân hàng chưa phát triển như phát triển mô hình ngân hàng lưu động, điểm giao dịch cấp xã để đưa vốn và cung cấp dịch vụ ngân hàng đến tận tay người dân.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các NH, TCTD tổ chức rà soát đánh giá mức độ thiệt hại và chủ động làm việc, hướng dẫn, tư vấn, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, từng bước đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất. Chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Với những giải pháp đồng bộ, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới, qua đó vai trò, vị thế của ngành NH được nâng lên, lòng tin của người dân với ngành được ngày càng củng cố, tăng cường.
Đến nay, dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt gần 80.000 tỉ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2020, tỉ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát. Trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt trên 27.200 tỉ đồng, tăng 11,64% so với năm 2020; chiếm tỉ trọng 33,73% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.
Các NH, TCTD tích cực thực hiện cho vay bốn chương trình sản xuất kinh tế nông nghiệp trọng điểm với dư nợ đạt gần 2.800 tỉ đồng, chiếm 11,3%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: Dư nợ cho vay chương trình sản xuất lương thực 336 tỉ đồng; dư nợ cho vay phát triển và chế biến chè gần 700 tỉ đồng, tập trung ở một số địa bàn như: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê. Dư nợ cho vay phát triển thủy sản 305 tỉ đồng, tập trung ở các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Ba, Cẩm Khê...chủ yếu đầu tư cho vay cải tạo mặt nước, ao hồ, đầu tư bè nuôi cá, tôm, mua thức ăn, mua con giống... Dư nợ cho vay phát triển trồng rừng sản xuất trên 1.400 tỉ đồng; doanh số cho vay tập trung vào một số địa phương như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hòa.
Đối với các chương trình sản xuất nông nghiệp khuyến khích, hiện dư nợ cũng đạt gần 2.600 tỉ đồng, chiếm 10,6%/dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, trong đó dư nợ cho vay chương trình phát triển đàn lợn thịt, bò thịt chất lượng cao gần 1.700 tỉ đồng; cho vay chương trình phát triển cây ăn quả 68 tỉ đồng.
Kết quả đầu tư tín dụng của hệ thống các NH, TCTD đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Đồng chí Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Trước nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và những diễn biến phức tạp dịch bệnh, nạn tín dụng đen trong thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện đồng thời cả hai mục tiêu, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn, thông suốt; trong đó đẩy mạnh đầu tư tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và mở rộng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, giảm nạn tín dụng đen tại khu vực này. Ngành sẽ tăng cường phối hợp hơn nữa với các cấp, các ngành triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm, khuyến khích, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, giúp gia tăng giá trị trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Phương Thảo (Nguồn: baophutho.vn)