Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới - Kỳ I: “Thấp thỏm” giữ tiêu chí

Kỳ I: “Thấp thỏm” giữ tiêu chí

Hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Lâm Thao được đầu tư đã góp phần giúp nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn

Thành quả bước đầu

Những thành tựu về xây dựng NTM đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản, toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, chất lượng của cuộc sống, môi trường ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh ước hết năm 2020 đạt 34 triệu đồng.

Năm 2020, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn NTM (đạt 48,5% tổng số xã); 237 khu dân cư đạt chuẩn NTM; 2 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện (Lâm Thao, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì) đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đáp ứng thực tiễn đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Qua thời gian triển khai, chương trình đã đi vào thực chất, sự chuyển biến tích cực trong phương thức chỉ đạo thực hiện đã đưa người dân, cộng đồng về đúng vị trí là chủ thể chương trình. Hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, người dân đã đồng tình, hưởng ứng cùng chính quyền, góp phần hoàn thành từng tiêu chí xây dựng NTM.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến tháng 6/2019, tổng huy động nguồn lực thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh đạt 12.640 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, tỉnh đã phân bổ, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến nay, 118/196 xã đạt tiêu chí về giao thông; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trường học, cơ sở y tế, các trung tâm văn hóa thể thao được đầu tư xây mới, nâng cấp làm nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở được củng cố; công tác quản lý, điều hành được đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Người dân xã Hà Thạch vui mừng trước đổi thay của quê hương

Tại các địa phương trong tỉnh, một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm đã bước đầu hình thành. Bên cạnh đó, một số sản phẩm của tỉnh có thương hiệu, sức cạnh tranh, được thị trường biết đến như: Sản phẩm chè xanh Phú Hộ, Phú Thịnh; thịt chua Thanh Sơn; bưởi đặc sản Đoan Hùng; mỳ gạo Hùng Lô... Khu vực kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, gia trại phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, dần chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hoá tập trung và gắn với thị trường tiêu thụ.  

Tuy nhiên, thực hiện thành công các tiêu chí NTM chỉ là bước khởi đầu. Việc giữ vững các tiêu chí đã đạt mới thực sự là “bài toán” khiến nhiều địa phương đang phải tìm “lời giải”.

“Mềm” nhưng khó giữ

Việc giữ vững và nâng cao chất lượng một số tiêu chí NTM là vấn đề quan trọng được đặt ra với các địa phương. Trong đó một số tiêu chí “mềm” dễ bị “lung lay” nếu thiếu biện pháp duy trì như tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, an ninh quốc phòng...

Thực tế từ các xã thực hiện Chương trình NTM cho thấy, không phải địa phương nào cũng tìm được hướng đi phù hợp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân và giữ vững tiêu chí 10 (tiêu chí thu nhập), nhất là với các xã thuần nông, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm hơn 50%. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương còn hạn chế, đặc biệt là việc đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn rất ít, tổng mức đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn.

Hiện toàn tỉnh có 364 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 58 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, 20 HTX ứng dụng công nghệ cao. Doanh thu bình quân của 1 HTX ước đạt 1.290 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân 1 HTX ước đạt 38 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: Nguồn vốn hoạt động của HTX của tỉnh hiện khá hạn chế, đa số hợp tác xã có quy mô sản xuất nhỏ, tổ chức bộ máy chưa đầy đủ. Nhiều HTX chưa xây dựng và phát triển được các hình thức liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp nên sản xuất và kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Điều này cho thấy việc nâng cao mức thu nhập cho người dân nông thôn là không dễ.

Trưởng khu dân cư Vường 1, xã Lai Đồng (huyện Tân Sơn) Hà Như Quỳnh (người thứ 2 từ trái sang) vận động người trong khu thực hiện các quy ước, hương ước của khu

Trong khi đó, theo Bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh thu nhập bình quân đầu người nông thôn sẽ tăng theo từng năm, cụ thể như năm 2017 là 26 triệu đồng/người thì đến năm 2020 là 36 triệu đồng/người.

Với tiêu chí 18 (hệ thống chính trị - tiếp cận pháp luật) và tiêu chí 19 (quốc phòng an ninh) lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân. Ví dụ như, sau khi sáp nhập xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông) đạt 18/19 tiêu chí và đang nỗ lực để hoàn thành tiêu chí còn lại thì đến cuối năm 2019 trên địa bàn xã lại xảy ra vụ trọng án nên 2 tiêu chí 18, 19 lại không đạt. Hiện nay, xã Vạn Xuân chỉ còn 16/19 tiêu chí NTM.

Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân Triệu Công Hoan cho biết: Sau khi sáp nhập, xã có địa bàn rộng, đa dạng các ngành nghề nên vẫn còn nhiều người làm thuê từ nơi khác đến đã né tránh việc khai báo tạm trú, tạm vắng. Điều này đã dẫn đến tình hình quản lý cư trú của địa phương có nhiều biến động phức tạp. Chính vì vậy, để duy trì tiêu chí an ninh trật tự là cả một vấn đề khó khăn. Vì tiêu chí 18, 19 là tiêu chí xét theo năm nên chỉ cần năm nào trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hay vụ gây rối trật tự xã hội... là xem như trong năm đó xã không duy trì được mức đạt chuẩn tiêu chí này.

Tiêu chí môi trường cũng là một tiêu chí khá “nhạy cảm” vì vấn đề thu gom và xử lý rác thải, chất thải không phải dễ dàng thực hiện. Hiện tại, xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê) có tiêu chí số 17 (môi trường) chưa đạt do người dân chưa có ý thức trong việc mai táng theo quy hoạch của tỉnh và vẫn còn tình trạng chất thải rắn, nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được thu gom xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UND xã Minh Tân cho biết: Minh Tân là xã có kinh tế phát triển không đồng đều nên rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực đóng góp để xây dựng các công trình NTM. Đặc biệt, tình trạng rác thải sinh hoạt, sản xuất chưa được thu gom, xử lý cộng với ý thức của một số người dân còn chưa cao nên thực hiện tiêu chí môi trường vẫn là việc cần chú trọng của địa phương trong thời gian tới.

“Duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt đang là thách thức không nhỏ đối với các địa phương. Các tiêu chí “tĩnh” như: Giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ nông thôn… nếu không duy tu, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, thì theo thời gian, quá trình sử dụng, ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu sẽ làm hao mòn, hư hỏng. Còn đối với những tiêu chí “động” như: Thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự, môi trường... luôn thay đổi và phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân. Điều này đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp cụ thể, sát thực tế thì việc xây dựng NTM mới bền vững” - ông Nguyễn Chí Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết.

                                Nguyễn Liên - Khánh Trang (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Phú Thọ)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website