Công an huyện Tân Sơn cùng người uy tín khu dân cư Mỹ Á, xã Thu Cúc tuyên truyền người dân thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững tiêu chí quốc phòng, an ninh.
Năng động trong tổ chức thực hiện
Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò “đòn bẩy”, thúc đẩy việc duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại. Từ thực tiễn cho thấy, để tăng thu nhập cho người dân, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của tỉnh, các địa phương phát huy kinh nghiệm xây dựng NTM giai đoạn trước, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí về thu nhập, từ đó tìm ra giải pháp thích hợp để triển khai.
Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ chế, chính sách chính là yếu tố quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích phát triển sản xuất đạt và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, các huyện cũng có chính sách riêng, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nói riêng và thu nhập người dân nói chung. Huyện Phù Ninh có 14/16 xã đạt chuẩn NTM, hiện đang tập trung, huy động nguồn lực để đầu tư, phấn đấu xây dựng hai xã còn lại đạt chuẩn NTM vào năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Phúc Suyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đối với tiêu chí thu nhập dễ biến động nên huyện đặc biệt chú trọng trong quá trình thực hiện. Cùng với thu hút các dự án đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch lao động, nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất quan trọng ở khu vực nông thôn. Vì vậy, tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị, hiệu quả kinh tế cao; xác định lựa chọn các sản phẩm, cây con chủ lực, thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Ninh đã ban hành Nghị quyết về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản huyện giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết về chuyển đổi diện tích rừng bạch đàn chồi, Nghị quyết về phát triển vùng hồng đặc sản Gia Thanh... Qua đó, nông nghiệp của huyện có bước khởi sắc, tính riêng diện tích hồng gần 200ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 100ha, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha. Mỗi địa phương có những đặc thù, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, vì vậy vấn đề đặt ra là tính toán để phát huy được tiềm năng.
Cùng với chính sách hỗ trợ cần nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nắm bắt thị trường để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Phát triển ngành nghề nông thôn, tranh thủ tối đa các chương trình khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ đào tạo nghề, vốn phát triển sản xuất cho lao động nông thôn và sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được xác định là nội dung đột phá, động lực, sức sống của chương trình NTM thời gian tới, vì vậy, các địa phương tăng cường phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của tỉnh theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời thúc đẩy liên kết sản xuất, tạo chuỗi giá trị sản phẩm, bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ qua mô hình HTX. Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao đạt chuẩn NTM từ năm 2014.
Đồng chí Nguyễn Hồng Toàn - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021-2025, trong đó tiếp tục quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn, sản phẩm thế mạnh của địa phương, xây dựng chuẩn hóa sản phẩm đạt OCOP. Đầu tư vào rau an toàn có cả hình thức sản xuất theo hợp tác xã và công ty, qua đó nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển.
Công ty TNHH MTV Hùng Luân, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn đảm bảo việc làm thường xuyên cho trên 40 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao tiêu chí thu nhập của xã.
Cấp ủy, chính quyền chủ động, người dân chung tay
Không chỉ với tiêu chí thu nhập, với các tiêu chí khác về an ninh trật tự, môi trường... phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan cũng như ý thức của người dân, điều này đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp cụ thể, sát thực tế thì việc xây dựng NTM bền vững.
Sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giám sát, bảo vệ môi trường ở địa phương. Việc thực hiện và giữ vững tiêu chí môi trường đã xuất hiện những đường bích họa, đường hoa, cây xanh, “cột điện nở hoa”… Đây là những mô hình tiêu biểu mà nhiều xã triển khai, giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn và nâng cao chất lượng sống người dân. Nhiều địa phương xây dựng điểm mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào xây dựng, bổ sung các hương ước, quy ước tự quản ở các địa bàn dân cư phù hợp với những quy định của pháp luật và phong tục, tập quán. Song hành với hoạt động tuyên truyền trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa, thay thế túi ni lon bằng vật liệu thân thiện môi trường, nhiều phong trào thi đua phù hợp với hoạt động của từng đoàn thể được triển khai.
Đối với tiêu chí quốc phòng an ninh - tiêu chí có nhiều biến động nhất, do đó các địa phương tập trung củng cố, nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản; đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tuyên truyền cán bộ, công chức, người dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giữ gìn an ninh trật tự. Duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình camera an ninh, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự, trường học an toàn.
Có thể thấy rằng, nâng cao chất lượng tiêu chí không chỉ giúp xây dựng NTM của địa phương thêm vững chắc mà còn trực tiếp nâng cao các điều kiện về kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí Nguyễn Nam Cường - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mục tiêu đặt ra là tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện Chương trình với phương châm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Do đó quá trình thực hiện phải thực chất, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần phải kiên trì, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Vì vậy, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM cần tiếp tục rà soát, đầu tư nhằm duy trì, nâng cao các tiêu chí, là cơ sở để phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong thời gian tới”.
Huế - Oanh (Nguồn: baophutho.vn)