Những hàng cây, tuyến đường hoa cứ đến mùa lại thu hút người từ muôn nơi về chụp ảnh, còn những cái ao, hồ lại trở thành bể bơi, điểm vui chơi hóng mát…
Những đôi bạn trẻ dung dăng dung dẻ tay trong tay, khoan thai đi lại trên đường làng trong khi người chụp ảnh, người cầm dụng cụ hắt sáng chạy theo mướt mải mồ hôi, đứng, ngồi, nằm, bò ra mà lấy khuôn hình sao cho ưng ý nhất. Đó là cảnh tượng thường thấy vào các mùa hoa khi đến với xã nông thôn mới Trường Yên (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) hôm nay. Nhiều địa điểm nơi đây có cảnh đẹp, môi trường xanh sạch như các rặng cây cổ thụ, ghế đá, hồ ao rất nên thơ.
Nhiều bạn trẻ tìm đến để chụp ảnh. Ảnh: Tư liệu.
Một người làng chỉ cho tôi cái ao Ngõ Cống bảo với giọng không giấu nổi sự tự hào về một miền quê đáng sống: “Trước đây đó chỉ là một cái ao đất, bị một số người dân đổ rác hay xả thải nước sinh hoạt nên rất ô nhiễm, bẩn thỉu. Khi triển khai chương trình nông thôn mới, người dân đã đóng góp gần 500 triệu đồng để cải tạo, nạo vét toàn bộ bùn đất, kè đá hộc làm, đổ bê tông 2m quanh hồ, có bậc lên xuống như những bể bơi hiện đại, xây hệ thống lan can, ghế đá, lắp các dụng cụ tập luyện thể thao, đèn chiếu sáng. Cái ao Ngõ Cống trở thành bể bơi công cộng cho trẻ con, điểm vui chơi cho người lớn của cả 2 xóm An Ninh và Trung Tiến mấy năm nay”.
Ở Trường Yên, chuyện người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tự nguyện góp công, góp của xây dựng nông thôn mới đã trở nên quen thuộc. Nhờ đó mà 100% đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, xây dựng nhiều công trình như nhà văn hóa xóm Bình Minh (1,5 tỷ đồng), nhà thi đấu đa năng (3,5 tỷ đồng), nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ (hơn 300 triệu đồng). Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh xã đã phối hợp xây dựng được các con đường bích họa ở khu vực Trạm y tế, Trường tiểu học, Trường trung học cơ sở và trung tâm xã. Đồng thời các tổ chức đoàn thể này thường huy động các hội viên của mình tổng vệ sinh môi trường các nơi công cộng vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ, tết hay hội hè.
Các ao, hồ trong xã sau cải tạo trở thành nơi xanh và đẹp. Ảnh: Tư liệu.
Ngoài góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, dân làng còn thường xuyên nhắc nhở nhau để rác vào đúng nơi quy định, không thả rông trâu, bò ngoài đường kẻo phóng uế bừa bãi...Ai vi phạm sẽ bị nêu tên phê bình trên đài truyền thanh thôn nên hầu hết mọi người đều tuân thủ một cách rất tự giác.
Với chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” trong xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay trên địa bàn xã Trường Yên các doanh nghiệp đã đầu tư 35,6tỷ đồng, người dân đã đóng góp, ủng hộ 31,4 tỷ đồng để thực hiện xây dựng các công trình công cộng, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của chính mình. Giáo dục được đầu tư hoàn thiện, các trường học hoàn thành cấp độ 1 chuẩn quốc gia. Trạm Y tế được cải thiện với những trang thiết bị hiện đại, trình độ cán bộ được đào tạo thêm. Các di tích lịch sử được bảo vệ, tôn tạo.
Cảnh đẹp của Trường Yên. Ảnh: Tư liệu.
Đó không phải là chuyện riêng ở Trường Yên mà còn là chuyện chung ở nhiều xã khác tại huyện Chương Mỹ khi chính quyền đứng ra tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân tạo cảnh quan và môi trường sống. Còn bản thân người dân lại tự nguyện góp tiền, góp sức để kè ao hồ, trồng cây, hoa, bảo vệ cổ thụ, quét dọn rác.
Điểm nhấn của chương trình xây dựng nông thôn mới ở Chương Mỹ ngoài môi trường, cảnh quan còn có sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, quy hoạch đảm bảo các vùng sản xuất bám theo 3 con sông, có nhiều mô hình phát triển sạch như VietGAP, hữu cơ. Thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, trọng tâm là các danh hiệu văn hóa, nhân rộng mô hình xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, khai thác và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân cư và ứng xử trên môi trường mạng. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật trong cộng đồng.
Đinh Thanh Huyền (Nguồn: nongnghiep.vn)