Thiết lập mạng lưới phát triển ngành nghề nông thôn ASEAN theo mô hình OCOP

Mạng lưới phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn khối ASEAN theo mô hình mỗi làng, xã một sản phẩm được thiết lập nhằm hướng tới thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đối tác và mạng lưới nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của khu vực nông thôn, thúc đẩy sức sáng tạo của cộng đồng trong phát triển ngành nghề nông thôn gắn với chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia vì sự thịnh vượng chung của khu vực nông thôn ASEAN

Bên cạnh đó, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các chính sách, giải pháp, mô hình phát triển sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

Kết nối quảng bá để hỗ trợ phát triển thương mại sản phẩm ngành nghề nông thôn - OCOP (trong và ngoài nước) của các quốc gia ASEAN, góp phần giới thiệu, kết nối thị trường, hình thành mạng lưới thương mại hiệu quả và bền vững giữa các quốc gia đối với các sản phẩm ngành nghề nông thôn.

Huy động nguồn tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật các đối tác ngoài ASEAN cho việc phát triển ngành nghề nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, chia sẻ sự hiểu biết và kiến thức nền tảng giữa ASEAN và các đối tác của ASEAN ở cấp quốc gia và khu vực.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hà Huế - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, khu vực ASEAN được đánh giá có nhiều tiềm năng và dư địa trong phát triển ngành nghề nông thôn gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, giúp thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đối tác và mạng lưới nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của khu vực nông thôn, thúc đẩy sức sáng tạo của cộng đồng trong phát triển ngành nghề nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, từ đó tạo nên sự thịnh vượng chung của khu vực nông thôn ASEAN, tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 41 tại Brunei (AMAF 41) tháng 10/2019 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 11 tại Myanmar về phát triển nông thôn - xóa đói giảm nghèo tháng 11/2019, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập mạng lưới phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn khối ASEAN theo mô hình mỗi làng, xã một sản phẩm”.

Ngày 21/10/2020 Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 42 (AMAFF42) được tổ chức tại Campuchia bằng hình thức trực tuyến đã phê duyệt sáng kiến “Thiết lập mạng lưới phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn khối ASEAN theo mô hình mỗi làng, xã một sản phẩm” (gọi tắt là ASEAN OCOP NETWORK).

Hội thảo khởi động sáng kiến của Việt Nam về “Thiết lập mạng lưới phát triển ngành nghề nông thôn ASEAN theo mô hình mỗi xã một sản phẩm” diễn ra hôm nay nhằm chính thức thiết lập và thảo luận thông qua kế hoạch hành động của mạng lưới, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về phát triển ngành nghề nông thôn của các quốc gia thành viên ASEAN và các tổ chức quốc tế.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phương Đình Anh - Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương - cho biết: Đến nay, Việt Nam có 8.340 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, hơn 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng (bình quân tăng 17,6%/năm), giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Chương trình đã góp phần tạo việc làm cho lao động, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp.

Một số giải pháp trọng tâm Việt Nam đặt ra trong thời gian tới đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là giúp các chủ thể nâng cao năng lực sản xuất, thương mại và chế biến sản phẩm. Phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP. Tăng cường nâng cao chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác và thương hiệu sản phẩm.... Từng bước hình thành các mạng lưới kết nối sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế theo hướng OCOP xanh, bền vững.

Theo ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, dân số các nước ASEAN gần 650 triệu người. Các nước ASEAN đón 144 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2019. Doanh thu dự kiến của các sản phẩm nông thôn cho thị trường du lịch có thể đạt 7,5 tỷ USD. Các nước trong khối ASEAN có rất nhiều sự tương đồng và có nhiều cơ hội hợp tác tạo thành khối thống nhất thúc đẩy cùng phát triển.

Câu hỏi việc thiết lập mạng lưới phát triển ngành nghề nông thôn ASEAN theo mô hình OCOP, chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác ở những lĩnh vực nào? Ông Lê Bá Ngọc cho rằng, các nước trong khối ASEAN có thể cùng nhau hợp tác nâng cao năng lực sản xuất của các đơn vị sản xuất/dịch vụ nông thôn trong một quốc gia thông qua hợp tác khu vực. Tăng cường thương mại nội vùng cho các sản phẩm nông thônTăng cường xuất khẩu hàng hóa nông thôn trong nước/khu vực ra thế giới.

                                                                                      Nguyễn Hạnh (Nguồn: Báo Công Thương)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website