Đây là thông điệp mà ông Lê Minh Hoan – Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn định hướng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026–2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 20/2 tại Hà Nội.
Sáng ngày 20/2, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2026 – 2030.
Thu nhập của người dân tăng cao
Tại Hội thảo, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn đã trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đề xuất một số định hướng thực hiện giai đoạn 2026- 2030. Cụ thể, theo ông Sơn, giai đoạn 2021-2025, công cuộc xây dựng NTM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Giai đoạn 2021-2025 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển nông thôn Việt Nam, với những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Trên cả nước, hơn 78% số xã đạt chuẩn NTM, vượt xa các giai đoạn trước. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ với hơn 60.000 km đường giao thông được nâng cấp, mở rộng, giúp kết nối các vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, hơn 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao thương.
Bên cạnh đó, hệ thống điện, nước sạch và các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa tiếp tục được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%, trong khi hệ thống cung cấp nước sạch đã tiếp cận hơn 95% dân số nông thôn. Chất lượng giáo dục và y tế cũng được nâng cao, với hơn 90% số trường học đạt chuẩn quốc gia và 85% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc thường xuyên.
Về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng lên đáng kể, đạt mức trên 55 triệu đồng/năm, tăng gần 1,5 lần so với năm 2020. Đặc biệt, các khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa đã có sự cải thiện rõ rệt nhờ vào các chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, với hơn 15.500 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, tạo ra giá trị kinh tế cao và nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế. Đáng chú ý, hơn 50% sản phẩm OCOP được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho người dân.
Công tác bảo vệ môi trường cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã triển khai các mô hình xử lý rác thải tại nguồn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các giải pháp xanh trong sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn đạt trên 80%, trong khi hơn 70% số hộ nông dân áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học. Nhờ đó, môi trường sống ở khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Một số vùng miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn chưa đạt đủ các tiêu chí NTM do hạn chế về nguồn lực và điều kiện địa lý. Mặc dù thu nhập bình quân tăng, nhưng mức độ chênh lệch giữa các vùng miền vẫn còn lớn, đòi hỏi các chính sách điều chỉnh phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải và nước thải chưa được kiểm soát hiệu quả tại một số khu vực, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp dài hạn.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng là một lĩnh vực cần đẩy mạnh hơn. Hiện nay, nhiều hộ nông dân vẫn chưa tiếp cận được các công nghệ hiện đại trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng số trong chuỗi cung ứng nông sản vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào thương lái và khó tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 chia sẻ tại Hội thảo.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) đã được triển khai với nhiều điều chỉnh quan trọng nhằm nâng cao chất lượng xây dựng NTM.
Bộ tiêu chí cấp xã giữ nguyên 19 tiêu chí nhưng bổ sung thêm 8 chỉ tiêu, nâng tổng số lên 57 chỉ tiêu, giúp phản ánh đầy đủ hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 78% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó nhiều địa phương đạt kết quả cao như Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ với tỷ lệ trên 95%. Các tiêu chí về hạ tầng, điện, nước sạch, trường học, y tế, và thông tin liên lạc đạt kết quả tốt, nhưng một số tiêu chí như thu nhập, giảm nghèo đa chiều, và môi trường vẫn còn hạn chế.
Đối với cấp huyện, 305/645 đơn vị (47,2%) đã được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó, 19 huyện đã đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, và một số huyện có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đang hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Ở cấp tỉnh, 5 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 3 tỉnh đang trong quá trình xét duyệt, và nhiều tỉnh khác đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025.
Bước sang giai đoạn 2026-2030, Bộ tiêu chí NTM tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với điều kiện từng vùng. Các tiêu chí sẽ tập trung vào phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số trong nông nghiệp, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn. Đặc biệt, chương trình hướng đến mục tiêu 90% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nâng cao và 35% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Chính quyền các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng tiêu chí để phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Nhìn chung, quá trình thực hiện Bộ tiêu chí NTM đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn những thách thức cần khắc phục. Giai đoạn tới, định hướng tập trung vào nâng cao chất lượng tiêu chí, hỗ trợ các xã khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn và đảm bảo phát triển bền vững.
Cần một nông thôn mới cả về hình thức lẫn chiều sâu
Tham luận tại hội thảo, ông Cao Đức Phát - Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có những định hướng tâm huyết về chiến lược trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030. Cụ thể, ông Phát cho rằng, việc xây dựng NTM trong giai đoạn tới cần đảm bảo sự bền vững, hiện đại, nâng cao đời sống người dân và thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và đô thị.
Ông Cao Đức Phát - Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có những định hướng tâm huyết về chiến lược trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030.
Nông thôn Việt Nam cần tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, phồn vinh, bền vững, với mục tiêu quan trọng là thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Ông Phát nhấn mạnh rằng các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 26 (khóa X), Nghị quyết 19 (khóa XIII), đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và người nông dân văn minh. Các yếu tố cốt lõi cần được đảm bảo gồm: kinh tế nông thôn phát triển mạnh, thu nhập người dân tăng cao, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, môi trường sống trong lành, và hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong bối cảnh mới, với sự phát triển nhanh của công nghệ, tác động mạnh của biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong cơ cấu lao động, ông Phát đề xuất một chiến lược phát triển NTM có trọng tâm, bao gồm:
Một là, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng xanh và số hóa, tạo việc làm và thu nhập cao cho cư dân nông thôn. Hai là, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo đời sống tinh thần phong phú. Ba là, tăng cường bảo vệ môi trường và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải. Bốn là, tiếp tục nâng cấp hạ tầng nông thôn, kết nối với đô thị hóa để tạo động lực phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, ông Phát đề xuất cách tiếp cận theo nhóm đối tượng để xây dựng chính sách phù hợp với từng vùng: ưu tiên hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn NTM, phát triển vùng nông thôn ven đô gắn với đô thị hóa và thúc đẩy nông nghiệp sinh thái ở các khu vực thuần nông. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, phối hợp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia để tối ưu hóa nguồn lực.
Cũng tại hội thảo, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã đưa ra một số định hướng quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trong dài hạn.
Trước tiên, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ, du lịch nông thôn và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, hình thành các cụm công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng và tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, hữu cơ cần trở thành xu hướng chủ đạo, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo chất lượng thực phẩm. Chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, gắn với thị trường xuất khẩu cần được mở rộng, đồng thời áp dụng khoa học công nghệ vào giám sát môi trường, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Một trong những trụ cột quan trọng là xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại và kết nối đô thị - nông thôn chặt chẽ hơn. Điều này bao gồm hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, xây dựng các trung tâm logistics nông nghiệp, chợ đầu mối, kho lạnh, giúp giảm chi phí vận chuyển và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Đồng thời, hệ thống hạ tầng số cũng cần được mở rộng để tạo điều kiện cho thương mại điện tử và ứng dụng số trong nông nghiệp.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển bền vững. Các làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, mô hình kinh tế hợp tác xã cần được phát huy để vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa gìn giữ văn hóa bản địa.
Ngoài ra, chính sách phát triển nông thôn cần có sự phân hóa theo từng vùng miền. Đối với các vùng nông thôn ven đô, cần định hướng theo mô hình đô thị hóa bền vững, tập trung vào phát triển dịch vụ, thương mại. Trong khi đó, các vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa cần có chiến lược phát triển sản xuất quy mô lớn, hiện đại hóa chuỗi giá trị nông sản. Những vùng nông thôn truyền thống có thể tập trung vào du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT nhấn mạnh: "Thế giới đang thay đổi rất nhanh và nông thôn Việt Nam không thể mãi đi theo lối mòn cũ.
Tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT nhấn mạnh: "Thế giới đang thay đổi rất nhanh và nông thôn Việt Nam không thể mãi đi theo lối mòn cũ. "Nếu bạn muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những điều chưa từng làm". Nếu trước đây chúng ta nói về nông thôn mới với đường sá, trường trạm, nhà cửa khang trang thì giờ đây chúng ta cần nhấn mạnh hơn đến một nông thôn tri thức, một nông thôn có tính kết nối cao và một nền kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Đưa ra định hướng xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, ông Lê Minh Hoan cho rằng, cần xây dựng cộng đồng nông thôn tri thức – đưa tri thức về làng quê; phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy nghề truyền thống; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế trang trại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng một nông thôn đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
"Xây dựng nông thôn mới không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục đổi mới, sáng tạo và phát triển. Chúng ta không chỉ cần một nông thôn "mới" về hình thức mà còn phải mới trong tư duy, trong cách làm, mới trong tổ chức sản xuất và phát triển cộng đồng", ông Lê Minh Hoan chia sẻ và nhấn mạnh, muốn nông thôn Việt Nam phát triển chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, tư duy và hành động.
Bước sang giai đoạn 2026-2030, chương trình NTM hướng đến mục tiêu không chỉ nâng cao tỷ lệ xã đạt chuẩn mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững và đồng đều giữa các vùng miền. Một trong những định hướng quan trọng chính là nâng cao chất lượng tiêu chí NTM. Không chỉ tập trung vào việc đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, chương trình sẽ chú trọng hơn vào chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là thu nhập, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường. Các tiêu chí mới sẽ được bổ sung nhằm đảm bảo tính thực chất của chương trình, tránh chạy theo thành tích.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố mang tính đột phá trong giai đoạn này chính là đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp và quản lý nông thôn. Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối và truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp nông dân tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn sẽ được triển khai để dự báo sản lượng, giá cả nông sản, giúp người dân chủ động hơn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Hạ tầng nông thôn tiếp tục là một trong những lĩnh vực được chú trọng đầu tư. Chương trình đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, đặc biệt là các tuyến đường liên vùng, giúp kết nối khu vực sản xuất với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hệ thống cấp nước sạch và xử lý nước thải sẽ được mở rộng, nhằm đảm bảo chất lượng sống và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực nông thôn.
Song song với phát triển hạ tầng, thúc đẩy kinh tế nông thôn và tạo việc làm sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Không chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp, chương trình sẽ khuyến khích phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp như du lịch sinh thái, tiểu thủ công nghiệp và thương mại nông thôn. Các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị nông sản cũng sẽ được thúc đẩy để đảm bảo đầu ra ổn định, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá".
Môi trường nông thôn sẽ tiếp tục được quan tâm thông qua việc mở rộng các mô hình kinh tế xanh và phát triển bền vững. Trong đó, việc xử lý rác thải tại nguồn, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển năng lượng tái tạo sẽ được triển khai rộng rãi. Trồng cây xanh, bảo vệ rừng và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống mà còn giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, du lịch nông thôn sẽ trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế. Những mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề truyền thống sẽ được đẩy mạnh, gắn liền với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Việc khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch không chỉ giúp tạo việc làm mà còn góp phần quảng bá hình ảnh nông thôn Việt Nam ra thế giới.
Về cơ chế chính sách, chương trình sẽ tập trung huy động đa dạng nguồn lực từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ. Chính sách ưu đãi về thuế và vốn vay cũng sẽ được triển khai nhằm thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn. Đồng thời, việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng sẽ giúp đảm bảo chương trình được thực hiện hiệu quả, minh bạch và thực chất hơn.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn –Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 cho hay, trong giai đoạn 2026 – 2030 sẽ khác giai đoạn trước với những đòi hỏi cao hơn và đặt ra yêu cầu làm sao để Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải là thúc đẩy các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác. Bộ sẽ định hướng khung Chương trình và tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về việc này.
Hồng Liên (Nguồn: danviet.vn)