Sau 10 năm triển khai, Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) đã nghiên cứu xây dựng và chuyển giao 60 mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất, 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Sáng ngày 26/4, tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất khung chương trình giai đoạn 2021 – 2025.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc và đại diện văn phòng NTM của 63 tỉnh thành.
Khoa học công nghệ góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường ở khu vực nông thôn
Theo Bộ NPTNT, Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM được phê duyệt triển khai từ năm 2011. Chương trình đã được rà soát lại theo hướng chuyên sâu hơn, tập trung giải quyết các tồn tại và thách thức của Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Mô hình trồng dưa công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hải Phòng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai thời gian qua đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Trong đó, KHCN được xác định là động lực và nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình; góp phần vào phát triển bền vững ở khu vực nông thôn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Nổi bật đó là đã bổ sung căn cứ khoa học cho điều chỉnh bộ tiêu chí NTM; đề xuất một số cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng NTM, phát huy động lực của KHCN và bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng văn hóa nông thôn.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V: Sản xuất theo chuỗi mới ứng dụng tối đa KHCN
Mặt khác, chương trình KHCN cũng đã nghiên cứu xây dựng và chuyển giao nhiều mô hình hiệu quả về chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Hiệu quả không chỉ dừng lại ở đây. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chương trình KHCN còn củng cố lại cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về kết quả 10 năm xây dựng NTM từ góc nhìn khoa học trên 7 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
Đồng thời, Chương trình KHCN cũng đã góp phần quan trọng vào sự kiện tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (2010-2020); nhận diện những yếu tố bền vững, những vấn đề lớn cần giải quyết trong giai đoạn tiếp theo (2021-2030).
Nông dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) ứng dụng KHCN vào trồng hoa mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Hoàng Tuấn
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM vẫn còn một số tồn tại cần phải khẩn trương khắc phục.
Tiến độ thực hiện nhiệm vụ của một số đơn vị vẫn còn chậm, dẫn đến kết thúc năm 2020 vẫn còn nhiệm vụ chưa nghiệm thu cấp nhà nước. Cùng với đó, một số vấn đề quan trọng trong khung nội dung chương trình có số lượng nhiệm vụ nghiên cứu còn hạn chế…
Một số chỉ tiêu quan trọng của chương trình KHCN trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025
- Các đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng tiến bộ KHCN đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 25%; tối thiểu 50% mô hình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng;
- Tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự liên kết liên ngành và đa ngành, hợp tác công tư.
"Do vậy, cần đánh giá lại chương trình một cách nghiêm túc, chỉ ra các vướng mắc để đưa ra giải pháp, nguyên tắc triển khai, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của chương trình" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
KHCN - giải pháp quan trọng trong triển khai chương trình xây dựng NTM
Về định hướng chương trình KHCN trong giai đoạn tới (2021 – 2025), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM được xác định tiếp tục là một giải pháp quan trọng để đảm bảo đạt được các mục tiêu thúc đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, gắn với đô thị hóa, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả cao.
Nhiều mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
Theo đó chương trình KHCN sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ: Khắc phục những khó khăn, thách thức của giai đoạn vừa qua; xây dựng cơ chế, chính sách nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các thành quả đã đạt được để hướng tới phát triển bền vững cho cộng đồng.
Triển khai các nghiên cứu KHCN hướng tới đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác và phát huy được các lợi thế của từng địa phương; giá trị văn hóa đặc trưng của từng vùng miền..., qua đó nâng cao giá trị cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thúc đẩy phát triển dịch vụ, chuỗi tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn.
Chương trình sẽ đặc biệt ưu tiên các khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc miền núi nhằm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền.
Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn của từng địa phương; các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới thông minh…
Nguồn: Danviet.vn