Kỳ III: Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Có thể khẳng định, việc thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” theo Kết luận 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã và đang phát huy hiệu quả, tạo động lực để nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp hội nông dân trong tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn thực sự đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình nuôi ốc nhồi của Chi hội nông dân tại huyện Thanh Thủy.
Từ yêu cầu thực tiễn
Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc với dân số trên 1,4 triệu người, tỷ lệ lao động ở vùng nông thôn chiếm trên 70% dân số; tổ chức hội nông dân có trên 208.000 hội viên, sinh hoạt tại hơn 2.100 chi hội theo khu dân cư. Thực tế cho thấy, quá trình triển khai và thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” theo Kết luận 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác thông tin, tuyên truyền ở một số sở, ngành, cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở chưa được thường xuyên. Một số cấp ủy Đảng chưa thực sự quan tâm lãnh đạo hoạt động của Hội Nông dân, một số chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ trong công tác phối hợp, tạo điều kiện để tổ chức hội nông dân hoạt động; chương trình phối hợp ở một số sở, ban, ngành của tỉnh và cấp huyện chưa thực sự toàn diện chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để tổ chức hội nông dân cùng tham gia thực hiện các đề án, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cùng với đó, công tác dạy nghề cho nông dân chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế của nông dân, nhất là định hướng đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo. Nhận thức, quan niệm của hội viên một số địa phương chưa thực sự hiểu đúng về công tác đào tạo nghề; cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý; tỷ lệ hội viên tham gia học nghề đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đồng chí Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Du, huyện Đoan Hùng cho biết: Cần quan tâm kịp thời các chính sách đào tạo nghề, tạo điều kiện cho hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo, lao động nông nghiệp, lao động người dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn có điều kiện tham gia học nghề, nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng NTM vì hiện nay đào tạo nghề chưa thực sự gắn với việc xây dựng các vùng chuyên canh, chuyên nuôi tập trung, làng nghề, thương hiệu, hình thành các cụm sơ chế sản phẩm nông nghiệp của địa phương; nguồn kinh phí dành cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước cấp cho Quỹ hỗ trợ nông dân còn chưa được nhiều; việc huy động vốn từ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn hạn chế, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất của hội viên.
Thực hiện Dự án “Chăm sóc nâng cao chất lượng bưởi quả Đoan Hùng”, nhiều hội viên đã được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
- Mô hình 300 gốc bưởi của hộ ông Trần Văn Phờ (bên phải), khu 8, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
…đến thực hiện đồng bộ các giải pháp
Qua trao đổi ý kiến, đại diện các cấp Hội Nông dân, chính quyền địa phương và Hội Nông dân trong tỉnh đều có chung mong muốn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân theo tinh thần Kết luận 61-KL/TW, Quyết định 673/QĐ/TTg cũng như Kế hoạch 73/KH-UBND; thông báo Kết luận số 480-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy.
Đồng chí Bùi Hồng Dân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ nêu nguyện vọng: Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo các cấp cần chủ động tham mưu, có cơ chế để các cấp Hội tham gia các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đã giao cho tổ chức Hội để đóng góp vào quá trình xây dựng NTM nhanh, bền vững. Tổ chức liên kết, đưa doanh nghiệp về nông thôn; xây dựng khối đoàn kết trong nông dân, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách còn bất cập liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hạnh-TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tập hợp đoàn kết nông dân vào tổ chức Hội; phát triển, quản lý, nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên; xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng hình mẫu người nông dân thế hệ mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam; đẩy mạnh vận động nông dân phát triển nông nghiệp, thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động, xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp để triển khai thực hiện Kết luận số 61, Quyết định số 673 trong thời gian tới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn phát triển, từ đó nâng cao mức sống cho người dân vùng nông thôn; đồng thời xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Để tiếp tục tạo động lực cho chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ kịp thời trong phát triển nông nghiệp để nâng cao mức sống cho nông dân, giảm nghèo bền vững ở khu vực vùng nông thôn, miền núi. Hội Nông dân các cấp cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phát huy vai trò, vị trí của Hội. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công tác của Hội, đáp ứng yêu cầu là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững.
Thanh Nga - Hoàng Hương