Kỳ II: Khi vai trò chủ thể được khơi dậy
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là công cuộc đòi hỏi phải có sự nỗ lực, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người nông dân. Nhờ được quan tâm tạo động lực, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực phát huy vai trò chủ thể, thực hiện nhiều nội dung, việc làm cụ thể, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp vào thành công chung của Chương trình xây dựng NTM.
Hưởng ứng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Hội Nông dân xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng đã tích cực vận động hội viên hiến đất làm đường giao thông, tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân.
Những vùng quê đổi mới
Những năm gần đây, Xuân Thủy là một trong những điển hình của huyện Yên Lập có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM. Phát huy vai trò của Hội không chỉ thúc đẩy nông dân hăng say sản xuất, phát huy sáng tạo mà còn huy động được nguồn lực, sức dân trong xây dựng NTM. Xã đã có nhiều biện pháp, hướng đi đúng đắn sáng tạo, hợp lòng dân. Thực hiện xây dựng NTM, BCH Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung chỉ đạo UBND xã thực hiện các tiêu chí NTM, xây dựng khu dân cư NTM. Xã đã thực hiện tốt quy chế dân chủ trong phát triển kinh tế - xã hội, đoàn kết xây dựng hạ tầng dân cư… từ đó động viên nhân dân tích cực thực hiện, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua. Kết quả, xã đã về đích NTM năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6%, thu nhập bình quân đạt gần 37 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2020 cơ bản hoàn thành. Cơ cấu kinh tế của xã tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Đồng chí Đinh Hải Nam- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Không riêng Xuân Thủy, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến xã luôn vận dụng, tổ chức phong trào thi đua của Hội Nông dân gắn với nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tiễn ở từng địa phương, từ đó khơi dậy tiềm năng, tính sáng tạo của tập thể, cá nhân trong Phong trào xây dựng NTM.
Cùng với huyện Yên Lập, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, những năm qua, Hội Nông dân huyện Thanh Sơn đã nỗ lực tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM, được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân đồng tình ủng hộ, từ đó tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Con đường bê tông dài 1,8km nối từ khu Trung tâm xã đi khu Kết Bình, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn được hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ đồng, trong đó người dân tự nguyện hiến trên 2.200m2 đất, trên 51m tường rào, cùng nhiều cây cối, hoa màu khác… để tạo thuận lợi cho đơn vị thi công tuyến đường. Có con đường mới người dân nơi đây rất phấn khởi, nông dân Đinh Thị Chiêu vui mừng nói: Có con đường mới, tôi cùng các hộ trong khu rất phấn khởi, bởi người dân đi lại dễ dàng hơn. Cùng với các khu dân cư khác trong xã, khi có chủ chương xây dựng NTM, các hộ dân khu Mố, xã Yên Sơn đã cùng nhau tự nguyện đóng góp trên 200 triệu đồng, ngày công để xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp.
Dù là một xã vùng cao của huyện Thanh Sơn với trên 75% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng khi được tổ chức hội, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, hội viên nông dân hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của việc làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ đã tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động để cùng với chính quyền địa phương xây dựng NTM. Từ sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, hội viên, hạ tầng giao thông của xã từng bước được hoàn thiện, diện mạo nông thôn đổi thay rõ nét.
Việc liên kết theo mô hình HTX đã giúp 120 hộ hội viên nông dân trồng chè ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn mở rộng vùng nguyên liệu gắn với vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm chè đặc trưng, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Khẳng định vai trò của Hội Nông dân
Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đổi mới nội dung, phương pháp làm việc; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… Từ đó giúp cán bộ, hội viên nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cũng như thời cơ, thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước yêu cầu của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội luôn xác định lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm để tổ chức tập hợp hội viên nông dân thông qua các loại hình tổ chức kinh tế, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, tập trung, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH gắn với kinh tế thị trường. Đặc biệt, Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào cách mạng của giai cấp nông dân, được đông đảo các hộ nông dân hưởng ứng, tham gia; bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có gần 80.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp.
Hội viên nông dân trong tỉnh đã tích cực hiến hàng vạn m2 đất, hàng triệu ngày công lao động, hàng trăm tỷ đồng... để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, phúc lợi công cộng, các thiết chế văn hóa… góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giúp các địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí NTM.
Đồng chí Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Để có được kết quả thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đều có vai trò quan trọng của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, nhờ Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” mà sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Phú Thọ là tỉnh đầu tiên trong khu vực miền núi phía Bắc có huyện đạt chuẩn NTM và vươn lên đứng ở vị trí nhóm đầu. Toàn tỉnh đến nay đã có 4 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành NTM là huyện Lâm Thao, Thanh Thủy và thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; 95 xã (chưa sáp nhập là 122 xã), 300 khu dân cư đạt chuẩn NTM, vượt xa mục tiêu đề ra; bình quân tiêu chí ước đạt 15,5 tiêu chí NTM/xã (tăng 3,9 tiêu chí/xã so với năm 2015). Từ đó góp phần giảm tỷ lệ nghèo toàn tỉnh bình quân 1,52%/năm, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Diện mạo nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Kỳ III: Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Thanh Nga - Hoàng Hương