Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn ở Tân Sơn

Xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn.

Từ khi bắt tay vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển giao thông nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm và xác định vai trò quan trọng hàng đầu, vừa góp phần rút ngắn khoảng cách cuộc sống giữa vùng sâu, vùng xa và các vùng miền khác; vừa góp phần đưa nông lâm sản của bà con trên địa bàn huyện đến các thị trường trong và ngoại tỉnh.

Hiện nay, hệ thống đường giao thông chính của huyện Tân Sơn gồm có 51,5km quốc lộ; 99km tỉnh lộ, 961,1km huyện lộ do tỉnh quản lý. Trong giai đoạn 2016 đến 2020; huyện Tân Sơn đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, thực hiện xã hội hóa để xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường và đã đạt được nhiều kết quả tốt như cải tạo, nâng cấp được 46km quốc lộ 32; 8km tỉnh lộ; gần 163km các tuyến đường huyện lộ và đường nông thôn; đầu tư xây dựng được 14 cây cầu vượt lũ; 130 ngầm tràn... Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đến hết năm 2020 ước đạt khoảng 70,5% tổng các tuyến đường toàn huyện, trong đó hệ thống đường trục xã, liên xã đạt 100% với tổng nguồn vốn đầu tư trên 687,4 tỷ đồng (nguồn vốn xã hội hóa đạt gần 12,4 tỷ đồng). Đến nay, đã có 6/16 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc HTX chè an toàn Long Cốc phấn khởi chia sẻ: Trước đây, đường vào Long Cốc rất khó khăn nên việc vận chuyển nông, lâm sản do người dân làm ra đi bán bị ảnh hưởng nhiều. Từ khi danh thắng đồi chè Long Cốc được phát hiện, đưa vào danh sách các điểm du lịch kỳ thú đã được huyện đẩy mạnh đầu tư mở rộng và cải tạo các tuyến đường trong xã, liên xã giúp chúng tôi thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm.

Xác định muốn phát triển được du lịch thì chất lượng hạ tầng phục vụ phải được nâng cao, tạo điểm nhấn và thuận lợi cho du khách nên Tân Sơn đã và đang chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn đến các xã như Long Cốc, Xuân Sơn, Kim Thượng, Tam Thanh…Ông Trần Tấn Giang, Giám đốc Ban Quản lý dự án quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng huyện cho biết: Trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo, điều hành từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả, theo tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đã được phê duyệt; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, tạo ra phong trào hiến đất làm đường sôi nổi; chú trọng quản lý khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; coi phát triển giao thông nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, trọng điểm đầu tư trong thời gian tới của huyện Tân Sơn sẽ tập trung cho các xã có lợi thế về du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng địa phương phát triển. 

Chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, trong đó có giao thông đã góp phần không nhỏ trong việc rút ngắn khoảng cách đời sống giữa đồng bào vùng sâu, vùng xa với các vùng miền khác, tạo điều kiện cho người dân miền núi Tân Sơn được hưởng lợi từ các dịch vụ như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Chính vì thế, mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong những năm tới, cấp ủy và chính quyền huyện Tân Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng giao thông nông thôn bằng nhiều giải pháp như huy động tối đa, lồng ghép có hiệu quả mọi nguồn lực, nguồn vốn; sử dụng vật liệu tại chỗ; vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ… để khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Quân Lâm (Nguồn baophutho.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website