Diện mạo mới, nguồn lực mới

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã làm thay đổi tích cực diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Thanh Thủy.

Thành quả đáng tự hào này là minh chứng cho quyết tâm, nỗ lực vượt khó, tư duy sáng tạo, đổi mới cùng tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng vì mục tiêu chung của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Thủy trong suốt một thập niên qua. Không chỉ là danh hiệu, cuộc sống mới tốt đẹp hơn đang hiện hữu trong mỗi gia đình, thôn xóm và quan trọng hơn, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã tiếp thêm niềm tin, tạo nguồn lực quan trọng để Thanh Thủy thực hiện thành công khâu đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ, sớm trở thành huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh, phát triển nhanh và bền vững theo mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Hệ thống đường GTNT được kết nối đồng bộ góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM ở huyện.

Năm 2010, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, Thanh Thủy bắt tay vào thực thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng thiếu lại không đồng bộ, thu nhập và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn… Xác định xây dựng NTM  là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòn bẩy để thay đổi tích cực, toàn diện diện mạo nông thôn, huyện đã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, đồng thời quán triệt đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường với các hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn đã phát huy tác dụng tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành động của đại đa số người dân trong vai trò chủ thể, đồng tâm hợp sức xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. 

Ý Đảng hòa hợp với lòng dân, sức mạnh của tinh thần đồng thuận, chung tay góp sức vì mục tiêu chung được nhân lên với những hành động thiết thực, hiệu quả. 10 năm qua, tổng số vốn đầu tư cho chương trình nông thôn mới của Thanh Thủy là gần 1.973 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp được gần 66  tỷ đồng với hơn 16 tỷ đồng tiền mặt, trên 70 nghìn ngày công lao động, hiến gần 89 nghìn m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội... Cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội vào cuộc với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao. Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. 80% đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa. 100% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hoá thuận tiện quanh năm. Các công trình thuộc hệ thống thủy lợi trên địa bàn được thiết kế, xây dựng phù hợp với quy hoạch. Nhờ đó, hơn 98% diện tích nông nghiệp của huyện chủ động tưới, tiêu giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cây trồng.  Hệ thống lưới điện được chú trọng đầu tư đồng bộ, công tác duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện trung và hạ áp được thực hiện thường xuyên. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn 14 xã được sử dụng điện thường xuyên, an toàn.

Đồng đất soi bãi ven sông Đà được người dân Thanh Thủy tận dụng canh tác rau màu vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao.

Mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng  NTM là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân. Do đó, cùng với việc huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, Thanh Thủy đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ mới, cơ giới hóa trong sản xuất. Các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm được triển khai thực hiện có hiệu quả; diện tích lúa chất lượng cao được mở rộng chiếm trên 85% diện tích gieo cấy, diện tích rau màu sản xuất theo hướng hàng hóa ngày càng được nâng cao. Các chương trình, dự án về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản được triển khai nhân rộng. Huyện cũng tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư theo phương thức liên doanh, liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo phát triển một số mô hình sản xuất mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, 14/14 xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động dịch vụ và công nghiệp. Công tác xúc tiến thương mại được chú trọng đã thúc đẩy phát triển thị trường, kích thích sản xuất phát triển, tác động rõ nét đến nâng cao thu nhập của người dân. Từ 12 triệu đồng (năm 2011), đến nay thu nhập bình quân của người dân Thanh Thủy đã đạt 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 95%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 11% (năm 2011) xuống còn 3,17% (năm 2019). Kinh tế phát triển, các tiềm năng trong lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được khơi dậy hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo được 63 công trình nhà lớp học, nhà điều hành, phòng học bộ môn và các hạng mục phụ trợ của trường học các cấp với tổng kinh phí trên 215 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đã đạt 92,2%, tăng hơn 50% so với năm 2011. Cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ đã tạo động lực góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục toàn diện. 14/14 xã của huyện đã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cùng với đó, hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, nâng cấp toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 100% xã, thị trấn của huyện đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020. Bệnh viện Đa khoa huyện được nâng cấp từ hạng 3 lên hạng 1 giúp người dân có cơ hội thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu. Đến nay, tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 83%, 100% khu dân cư đã có nhà văn hóa. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị, thể hiện truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa của đất và người Thanh Thủy. Tạo dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, huyện Thanh Thủy đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; UBND các xã, thị trấn phối hợp với UB Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động phong trào trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường, tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ, kênh mương. Hơn 37km đường hoa, cây xanh; hơn 120km đường giao thông nông thôn được thắp sáng từ nguồn lực xã hội hóa đã mang đến một diện mạo mới cho nông thôn Thanh Thủy. Các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng với nhiều mô hình tiêu biểu, hiệu quả phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia trên địa bàn huyện như: “Camera an ninh”; “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”; “Xã không có ma túy”; “Bóng đèn an ninh tự quản”; “Ánh sáng an ninh tự quản”; “Tuyến đường tự quản”... Từ xã Đồng Luận nay là xã Đồng Trung được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, đến hết năm 2018, 14/14 xã của huyện Thanh Thủy đã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. 

Cuộc sống mới tốt đẹp hơn đã hiện hữu trên các vùng quê của Thanh Thủy. Cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cũng đã tạo nên nguồn lực, mở hướng triển vọng cho mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ đã được huyện lựa chọn là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong 5 năm gần đây, kết cấu hạ tầng du lịch đã được tăng cường đầu tư với số vốn hơn 7.000 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... ước đạt 869 tỷ đồng (bình quân tăng trên 10%/năm, chiếm tỷ trọng 10,4% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội của huyện); thu hút trên 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ngành du lịch, dịch vụ đã tạo việc làm cho 16.500 lao động trên địa bàn. Các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử văn hóa từng bước được phục dựng, nâng cấp, tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Phát huy thành quả đã đạt được, những bài học kinh nghiệm quý giá về phát huy vai trò, sức mạnh chủ thể là Nhân dân; kiên định phương châm nhất quán coi trọng lợi ích của Nhân dân, trong thời gian tới, toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân Thanh Thủy sẽ tiếp tục chung sức đồng lòng, nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 8 khu dân cư đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra; tạo nền tảng, nguồn lực để thực hiện thắng lợi khâu đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng Thanh Thủy thành huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh, phát triển nhanh và bền vững.

                                                            Nguyễn Minh Tường - TUV, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy



 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website