Kỳ II: Cần có giải pháp phù hợp với thực tiễn
Mô hình nuôi cá giống thương phẩm của hộ gia đình anh Trần Hữu Lâm khu Đồng Minh (xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê) mỗi năm cho doanh thu từ 3 - 3,5 tỷ đồng
Phát triển kinh tế bền vững
Để giữ vững tiêu chí thu nhập - tiêu chí khó ở hầu hết các xã trong tỉnh, Phú Thọ đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, tìm hướng phát triển kinh tế mới và bền vững cho người dân. Đây chính là nội dung đột phá, sức sống của Chương trình xây dựng NTM để vừa thực hiện tiêu chí thu nhập nhưng cũng vừa tạo nguồn lực để thực hiện các tiêu chí khác.
Để thực hiện được nội dung này, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách về việc làm đối với lao động, ưu tiên các doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn nông thôn để tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thực hiện đổi mới cách thức hỗ trợ người nghèo từ trực tiếp sang đào tạo, hỗ trợ vốn và phương thức sản xuất để người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Xã Dân Quyền (huyện Tam Nông) được thành lập từ ngày 1/1/2020 trên cơ sở sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính Dậu Dương, Thượng Nông, Hồng Đà. Đây là đơn vị có khá nhiều lợi thế khi 3 đơn vị hành chính cấp xã đều đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Để phát huy lợi thế diện tích lớn, lực lượng lao động dồi dào sau khi sáp nhập, xã đang xây dựng các mô hình trồng cây, con giống chất lượng cao và hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện trên địa bàn xã đã có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao JO2. Dự kiến năm 2020 cho giá trị sản lượng hàng hóa khoảng 960 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần so với các loại nông sản khác trên địa bàn. Mô hình thành công sẽ được xã nhân rộng trên toàn địa bàn.
Ông Đào Tiến Lực - Chủ tịch UBND xã Dân Quyền cho biết: Đa số người dân trong xã làm nông nghiệp, do đó để duy trì được tiêu chí thu nhập của người dân, xã xác định phải đổi mới cách làm nông, làm sao để tăng thu nhập từ đồng ruộng, giúp người dân gắn bó và làm giàu trên chính quê hương, từ đó góp sức xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng ớt xanh xuất khẩu của HTX Nông nghiệp Thượng Nông (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông)
Cùng với nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương đã tìm ra những hướng đi mới cho người dân. Thị xã Phú Thọ hiện đã được công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Theo kế hoạch đến năm 2025, thị xã sẽ có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho biết: Xác định lợi thế là khu vực cận đô thị, có Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã đang huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, tập trung đầu tư vào hạ tầng đô thị, thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp và hạ tầng dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề, tư vấn việc làm để tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phấn đấu đến hết năm 2020, thu nhập của người dân đạt trên 40 triệu đồng/người.
Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững là giải pháp để các địa phương nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đẩy mạnh nội lực trong xây dựng NTM.
Hướng đến xây dựng “người dân NTM”
“Xây dựng NTM hiệu quả, bền vững là khi tự thân người nông dân đã làm chủ nông thôn, vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM thể hiện trên nhiều lĩnh vực: Là nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hoạt động dịch vụ; nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc; trực tiếp xây dựng, bảo vệ và hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa phong phú; đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống… Sự tham gia của người dân vào việc xây dựng NTM được coi như nhân tố quan trọng nhất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Người dân khu dân cư số 24 xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông) góp sức xây mới tường rào nhà văn hóa khu
Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, vận động người dân phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, thậm chí là đi trước một bước. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những tấm gương sáng, những tập thể cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình để người dân cùng chia sẻ, ủng hộ.
Xuân Lộc là địa phương đầu tiên của huyện Thanh Thủy và của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2015. Thế nhưng chính quyền và người dân Xuân Lộc xác định không phải là điểm kết thúc của quá trình đổi mới diện mạo địa phương.
Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết: Trên cơ sở phân tích, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, địa phương đã chủ động xây dựng các giải pháp, quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đặc biệt, huyện tiếp tục phát huy tinh thần “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp vào công tác giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự, giữ vững các tiêu chí “mềm” trong xây dựng NTM. Xã tranh thủ tối đa các nguồn lực để cải tạo nâng cấp đường giao thông, kênh mương nội đồng, cơ sở vật chất nhà văn hóa, trường lớp học. Đồng thời tiếp tục vận động nhân dân trong xã hiến đất mở rộng đường thôn, xóm; kéo điện chiếu sáng; vệ sinh môi trường để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Hay tại khu dân cư số 24 (xã Vạn Xuân) huyện Tam Nông. Để người dân tích cực hưởng ứng xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, Trưởng khu Nguyễn Chí Thanh vừa phải khéo léo tuyên truyền, vận động vừa lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và người dân để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vấn đề bức xúc phát sinh. Nhờ đó 98% các khoản đóng góp, các quy ước, hương ước đều được người dân trong khu thực hiện nghiêm túc. Những công việc của khu như sửa sang nhà văn hóa, làm đường bê tông, sân thể thao, chỉnh trang lại đường làng ngõ xóm… đều được bà con đồng tỉnh ủng hộ bằng cách tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng trăm công lao động với giá trị trên 600 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết: Để giữ vững các tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, khu đã phân công cho từng chi hội như Hội Phụ nữ, Ban công tác mặt trận, Đoàn Thanh niên vận động, tổ chức cho người dân thực hiện công tác giữ gìn vệ sinh môi trường và tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm văn hóa. Khu phấn đấu duy trì con số 100% dân cư trong khu ký cam kết thực hiện nghiêm các hương ước, quy ước; vệ sinh sạch sẽ đường làng ngõ xóm.
Việc phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng NTM đã khiến môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn được giữ vững. Niềm vui tăng lên theo từng quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn NTM, theo từng tấm gương điển hình trong công tác xây dựng NTM ở khắp nơi trên toàn tỉnh.
Phú Thọ đã có những bước tiến dài trong xây dựng NTM, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức đến những hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, xác định người dân là chủ thể, phát huy sức mạnh nội lực trong dân chính là cách để xây dựng NTM bền vững.
Nguyễn Liên - Khánh Trang (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Phú Thọ)